ẤM ÁP NGHĨA TÌNH  NGÀY VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM/DIOXIN

Ghi chép – Phạm Thị Nhí

Tháng Tám mùa Thu với bao kỷ niệm, với bao cung bậc cảm xúc vui buồn. Đối với nạn nhân chất độc da cam thì đó là ngày kỷ niệm buồn của hơn 4,8 triệu người Việt Nam và hàng vạn trẻ em bị thảm họa bởi chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam (từ ngày 10/8/1961 -10/8/1971, kéo dài bi thương cho đến tận bây giờ. Lời thiếu tướng Trần Ngọc Thổ- Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Hồ Chí Minh trong buổi họp mặt kỷ niệm 57 năm ngày thảm họa da cam ở Việt Nam và nói chuyện chuyên đề tại hội trường khách sạn Tân Sơn Nhất, số 200 Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận ngày 08- 8- 2018 đã sưởi ấm biết bao trái tim đang rỉ máu từng ngày.

Cả hội trường nín lặng khi xem lại phim tài liệu “chất độc da cam quyền sống của con người” do Trung ương Hội phát hành, “Nạn nhân chất độc da cam/ dioxin nỗi đau nhói lòng” của Đài Truyền hình An Ninh Quốc phòng. Hình ảnh bi thương không những là “dấu lặng” đánh động lòng trắc ẩn, mà đó còn là sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của các nạn nhân da cam thành phố Hồ Chí Minh.

Ảnh: Quang cảnh buổi họp mặt kỷ niệm 57 năm thảm họa da cam ở Việt Nam

Phải nói rằng từ khi có Hội Nạn nhân chất độc da cam ra đời, sự hiện hữu của Hội trở thành là điểm tựa tin cậy để các nạn nhân tiếp tục sống, vượt lên nỗi đau, chiến thắng bệnh tật, động viên nhau khắc phục khó khăn để vươn lên hòa nhập cộng đồng. Bằng việc làm cụ thể, Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố Hồ Chí Minh tổ chức một số chương trình mang tính bền vững như, sửa chữa và xây hàng trăm căn nhà tình thương, hàng tỷ đồng vào việc trợ vốn, phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng, khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, tặng quà dịp lễ, Tết. Đặc biệt chương trình học bổng giúp cho hàng nghìn lượt con cháu nạn nhân an tâm tiếp bước đến trường, kết quả học tập của con, cháu đã đem lại nhiều niềm vui, khích lệ lớn trong mỗi gia đình.

Năm nay cũng vậy, Thành Hội đã tổ chức 2 đợt học bổng/ 200 suất, tổng số tiền 228 triệu đồng. Số tiền này do Ủy ban Mặt trậnTổ quốc thành phố và Bệnh viện Mỹ Đức tài trợ.

Thành Hội tri ân tấm lòng nhân hậu đến nhà tài trợ trước sự hiện diện của hơn 200 đại biểu, Cơ quan thông tấn báo chí, đài truyền hình tại thành phố đã ghi hình và đưa tin các hoạt động của Hội. Trong buổi lễ, các doanh nhân Hàn Quốc tại Việt Nam, phấn khởi ủng hộ tiền để góp phần cùng Hội chia sẻ khó khăn da cam.

Ảnh: AHLĐ thời kỳ đổi mới, Giáo sư – Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam phát biểu.

Buổi Họp mặt kỷ niệm 57 năm thảm họa da cam và nói chuyện chuyên đề “phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại phụ nữ giới – trẻ em gái Khuyết tật- NNCĐDC, kỹ năng sống của trẻ Khuyết tật” diễn ra trong bầu không khí ấm áp, nghĩa tình. Thay mặt Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Anh hùng thời kỳ đổi mới, Giáo sư – Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó Chủ tịch Hội cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các sở, ban, ngành thành phố và cấp ủy, chính quyền các cấp. Tri ân sâu sắc đến nhà hảo tâm trong và ngoài nước đã giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam cả vật chất lẫn tinh thần với động cơ trong sáng và tình cảm cao đẹp. Nhiệt liệt biểu dương tấm gương vượt khó của các nạn nhân da cam trong học tập, lao động. Kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ tài chính xây dựng Làng Cam để nuôi dưỡng, tẩy độc, điều trị, dạy nghề cho nạn nhân da cam.

Kết thúc buổi lễ, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, Chủ tịch Hội đã gửi gắm tất cả tâm tư nguyện vọng của nạn nhân da cam đến các cấp lãnh đạo Thành phố, mong quan tâm hơn nữa trong việc thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Mong muốn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố đẩy mạnh phong trào “Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin” hơn nữa, xem như là trách nhiệm của cộng đồng, xã hội đối với những gia đình đã hy sinh một phần xương máu trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ nền hòa bình, độc lập tự do của dân tộc, những thân phận không may bị nhiễm chất độc da cam/dioxin.

Tin – ảnh: PTN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.