Sở LĐ-TB-XH Nghệ An xử lý vấn đề báo nêu
Ngày 13/9, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An đã có công văn gửi Báo Nghệ An thông báo việc xử lý những vấn đề được báo...
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7, Phó Chủ tịch TW Hội , Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Hồ Chí Minh
Giáo sư Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng một nhà y khoa nổi tiếng người Việt Nam, hiện là Phó Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam Quận 2, nguyên là Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (Thành phố Hồ Chí Minh), Viện trưởng Viện Tim TP. Hồ Chí Minh. Bà cũng là một chính khách, từng là Đại biểu Quốc hội khóa VII, Phó Chủ tịch Quốc hội khóa VIII, Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội khóa 1992 – 1997, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hồ Chí Minh. Để tôn vinh những đóng góp và thành tựu của bà trong lĩnh vực sản phụ khoa, Nhà nước Việt Nam đã phong tặng cho Bà danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và Thầy thuốc Nhân dân. Bà sinh ngày 10/ 3/ 1944 tại Làng Tăng Nhơn Phú, tổng An Thủy, quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định nay là phường Tăng Nhơn Phú B, Quận 9, thành phố Hồ Chí Minh.
Suốt chặng đường đồng hành cùng nạn nhân chất độc da cam/dioxin, bà đã vận động dự luận thế giới, trong và ngoài nước lên tiếng đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam, kiên trì trong các hành trình vận động ủng hộ vật chất, tinh thần chăm lo đời sống nạn nhân chất độc da cam mang tính bền vững. Tấm lòng nhân hậu, người thầy thuốc, người mẹ hiền của những mảnh đời bất hạnh suốt một đời tận tụy, thầm lặng vì nhân dân mà chưa bao giờ biết mệt mỏi. Với tấm lòng vô tư, trong sáng của một Bác sĩ có tâm đức, đã truyền ngọn lửa yêu thương đến các đồng nghiệp, đồng chí, các nhà hảo tâm bằng việc làm thiện nguyện, cử chỉ cao đẹp dành cho các cháu khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam đang được cưu mang nuôi dưỡng tại Làng Hòa Bình, Từ Dũ. Không những chăm lo cho các cháu tại làng, Bác sĩ Ngọc Phượng còn phối hợp các Bệnh viện tổ chức các đoàn thầy thuốc từ thiện đến chăm sóc sức khỏe cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đoàn của Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã đến với từng thôn, bản vùng dân tộc ở các tỉnh Tây Nguyên, rừng núi phía Bắc để thuyết phục, vận động bà con tham gia chương trình giếng nước sạch, tầm soát sinh sản, thành lập các lớp Cô Đỡ Thôn Bản nhằm chung tay hạn chế sự mất mát, đau thương của trẻ em vùng dân tộc thiểu số còn quan niệm cổ hủ, tập tục lạc hậu (khi các trẻ sơ sinh mới chào đời chẳng may bị mẹ chết sớm, đứa con vô tội cũng phải chôn theo mẹ).
Thấu hiểu trước nỗi đau của nhân loại vì hậu quả chiến tranh hóa học, Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng không ngừng nghiên cứu khoa học để tìm biện pháp ngăn ngừa, tầm soát thai nhi, ngoài ra bà còn dành rất nhiều thời gian để tham gia các cuộc hội thảo Quốc tế về khắc phục hậu quả chất độc hóa học. Bằng luận chứng khoa học, cụ thể, Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã thuyết phục các cấp Ủy Đảng, chính quyền địa phương phê chuẩn Quyết định thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam và Kế hoạch về sự phát triển của Hội.
Được làm việc, cùng chia sẻ với Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng trong công tác vận động chăm lo đời sống nạn nhân chất độc da cam, mỗi thành viên trong Hội chúng tôi đều thấy không những nhà hảo tâm trong nước tin cậy mà bạn bè Quốc tế, các tổ chức phi chính phủ trên thế giới như Nhật bản, Hàn Quốc, Pháp, Mỹ… Mỗi khi tiếp cận, các bạn đều hoan hỉ, ủng hộ một cách nhiệt tình với tinh thần nghĩa cử trong sáng cao đẹp.
Năm tháng dần trôi, tuy tuổi đã cao nhưng Giáo sư – Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng vẫn duy trì phong độ, vẫn thường xuyên vận động Bệnh viện Mỹ Đức, các nhà hảo tâm ủng hộ đóng góp xây dựng Quỹ học bổng tiếp sức đến trường cho con cháu nạn nhân da cam hơn 1 tỷ đồng. Hàng năm khi Tết đến xuân về, đều dành từ 200 đến 2.000 suất quà và tổ chức đoàn Bác sĩ đi khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho bà con ở khắp các tỉnh thành và nội ngoại ô thành phố. Bằng tất cả tình thương, sự chân thành biết ơn những thân nhân gia đình liệt sĩ, những Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 hay các ngày lễ Tết, Giáo sư Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng dành tiền lương hưu trí của mình để góp phần chăm lo, phụng dưỡng các Bà Mẹ liệt sĩ ở Cần Giờ, Củ Chi với số tiền hàng trăm triệu đồng Việt Nam.
Ảnh: Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ và Gs-Bs Nguyễn Thị Ngọc Phượng thay mặt Thường trực Hội tri ân các nhà hảo tâm.
Có thể nói, Giáo sư Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã dành tất cả tình thương, lòng nhiệt huyết đã thuyết phục được hàng triệu trái tim yêu thương đến với nạn nhân chất độc da cam/dioxin thông qua việc làm và hành động rất cụ thể. Năm 2004 – 2005, với tư cách Phó Chủ tịch Trung ương Hội và Trưởng Ban Vận động thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Hồ Chí Minh. Bác sĩ Phượng vận động ký tên tham gia Hội, ban đầu phải cho đủ 50 chữ ký trong đơn của Ban Vận động thì Ủy ban Nhân dân Thành phố mới xét đơn sau đó Ban Vận động mới được xem xét thành lập Hội. Kết quả Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã cấp Quyếtt định số 80/QĐ- UBND ngày 06/01/2005 cho phép thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam/ dioxin thành phố Hồ Chí Minh.
Tháng 03/4/2005, Đại hội thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Hồ Chí Minh. Hội viên đăng ký tham gia Hội tăng 271 hội viên. Buổi đầu Hội mới thành lập Hội chưa có trụ sở làm việc, Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã đứng ra xin bệnh viện Từ Dũ cho mượn 2 phòng làm việc. Văn phòng Hội lúc đầu ở Bệnh viện Từ Dũ tuy chật hẹp nhưng cũng có chỗ để nương náu cho đến khi Bác sĩ Ngọc Phượng về hưu. Năm 2009 thành phố cấp cho Hội trụ sở để làm việc tại số 331 Trần Hưng Đạo, phường 10, Quận 5.
Ngày đầu Hội mới thành lập còn thiếu thốn trăm bề, Bác sĩ Phượng đã cho mượn xe và xin xe của Bệnh viện để Hội vận chuyển nạn nhân chất độc da cam và đưa đón các đồng chí lớn tuổi đi thăm hỏi, tặng quà, chăm sóc sức khỏe y tế cho nạn nhân. Liên tục từ năm 2005 – 2009, tổ chức nhiều đoàn Y, Bác sĩ khám chữa bệnh cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh Tây nguyên.
Từ năm 2005 đến nay, đã trợ cấp thường xuyên cho nạn nhân chất độc da cam xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi và cùng với phụng dưỡng 6 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, đến bây giờ chỉ còn hai Bà Mẹ còn sống. Hàng năm Bác sĩ Phượng đến khám bệnh, tặng quà trong các dịp lễ, Tết, ngày 27/7 hàng năm. Bắt đầu từ năm 2011, tài trợ cho 40 NNCĐDC ở 2 xã Nhuận Đức và An Nhơn Tây, huyện Củ Chi cùng với 10 nạn nhân ở huyện cần Giờ, 5 nạn nhân ở Đồng Nai, mỗi tháng mỗi người 200.000VND cùng với quà Tết ngày 10/8 thảm họa da cam ở Việt Nam.
Năm 2007, dự Đại hội các Bác sĩ Hoa Kỳ thuộc ngành Y tế Công Cộng (14.000 người), báo cáo suốt một tuần, mỗi ngày từ 5 -7 lần. Sau đó, Đại hội đã tranh cãi gay gắt, nhưng cuối cùng Đại hội cũng đã thông qua được một Nghị quyết lên án vụ rãi chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam, đề nghị Chính phủ Hoa Kỳ cùng các công ty hóa chất Hoa Kỳ phải bồi thường cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cũng như Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Hoa Kỳ là người lính đã chiến đấu ở Việt Nam.
Năm 2008 và 2010, Giáo sư – Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng được đề cử một mình đi điều trần tại Hạ Viện Hoa Kỳ, Ủy Ban Đối Ngoại Hoa Kỳ về “Trách nhiệm của Chính phủ Hoa Kỳ đối với các NNCĐDC/Dioxin”. Năm 2009, Phát biểu tại Tòa án Lương Tâm Thế Giới, vạch rõ và tố cáo tội ác đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tại Paris cùng với các đồng chí lãnh đạo Hội Trung ương. Cũng trong năm 2009, cùng với Nhóm Đối Thoại Việt Mỹ tổ chức một Gala văn nghệ ở thành phố Hồ Chí Minh quyên góp được tiền, xây dựng được hệ thống cung cấp nước sạch đến tận nhà cho đồng bào Raglei ở A Sầu, A Lưới – Thừa Thiên – Huế, rồi một hệ thống nước sạch cũng đến tận nhà cho đồng bào dân tộc thiểu số làng Ka Du, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Ngoài ra, còn cấp cho 6 tỉnh thành phố mỗi nơi 100 triệu đồng, trong đó có thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 2010, Giáo sư – Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng được Trung ương Hội cử đi điều trần tại Hạ viện Hoa kỳ cùng với cháu Trần Thị Hoan, yêu cầu họ phải nhanh chóng bồi thường nạn nhân chứ không chỉ rót tiền vào việc tẩy sạch môi trường ở các sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa và Phù Cát.
Dân vận khéo không chỉ là lời nói suông mà xuất phát từ cái tâm và hành động thiết thực. Mỗi năm mỗi việc làm đầy ý nghĩa lớn lao, Giáo sư Bác sĩ đã không quản đường xa, khó nhọc đi bộ cùng các bạn trên đất nước Nhật bản để tham dự các buổi thuyết trình, nói chuyện về tác hại của chất độc hóa học. Đặc biệt, trong cuộc vận động thực hiện dự án xây dựng Làng Cam, Trung tâm nuôi dưỡng, tẩy độc và điều trị dạy nghề cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong tình hình kinh tế đất nước gặp khó khăn, việc vận động tài chính cũng không ít trở ngại. Khi Ủy ban Nhân dân thành phố đã cấp cho Hội gần 5ha đất để xây dựng công trình, Bác sĩ Phượng lại một lần nữa cùng anh chị em sang Nhật để thuyết phục, tuyên truyền, vận động nguồn lực với mong muốn đạt được ước nguyện xây cho được nơi chốn dung thân cho nạn nhân da cam khi cha mẹ họ một mai qua đời để các nạn nhân có nơi nương tựa.
Ảnh: Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng và bệnh viện Mỹ Đức tổ chức trao học bổng cho con cháu nạn nhân chất độc da cam năm học 2018 – 2019
Ảnh: Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng (thứ hai từ phải sang trái ảnh) tại buổi tri ân các nhà hảo tâm nhân kỷ niệm 30 năm ca mổ tách đôi Việt Đức (04/10/2018)
Ngày 04/10/2018, chúng tôi chứng kiến sự kiện tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm ca mổ tách đôi Việt – Đức thành công, gặp gỡ, chia sẻ cùng với các ân nhân, các bạn Nhật Bản, chúng tôi càng trân quý và nể phục tấm lòng nhân ái của Giáo sư – Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, đã tập hợp được hàng vạn tấm lòng, hàng triệu trái tim yêu thương lan tỏa. Ca mổ tách đôi Việt Đức trong thời khắc thiêng liêng của nền Y học nước nhà vừa mới mở ra. Nguyễn Đức là minh chứng lịch sử cho kíp mổ hoàn hảo nhất trong sự đoàn kết hữu nghị của tình người Việt – Nhật đầy tính nhân văn sâu sắc. Quá khứ và hiện tại đã đem đến cho Nguyễn Đức một gia đình hoàn hảo, ở đó hiện hữu tấm lòng Y đức vẹn toàn, sự kết hợp dân vận khéo của vị Giáo sư – Tiến sĩ – Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, bằng tất cả tấm lòng yêu thương con người, yêu cuộc sống, nghĩa cử cao đẹp thánh thiện đầy tố chất Lương y như Từ Mẫu của Bà. Thầm ước Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng và những tấm lòng nhân ái luôn có nhiều sức khỏe để cùng chúng tôi trên hành trình công lý còn nhiều lắm khó khăn này.
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ