CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH 30/ 4/ 1975   NHỮNG TRẬN ĐÁNH CUỐI CÙNG KẾT THÚC 20 NĂM  CHIẾN TRANH CHỐNG XÂM LƯỢC MỸ.
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ

Nguyên Tham mưu trưởng eBB88

Nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7.

 

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 được mở đầu ở Buôn Mê Thuột và kết thúc ở Sài Gòn, bao gồm một tổng thể các chiến dịch, các đợt hoạt động tác chiến phối hợp với hành động nổi dậy của quần chúng ở địa phương và cơ sở dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau.Trong đó nổi bật nhất trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy là 3 chiến dịch lớn có ý nghĩa chiến lược, chiến dịch trước tạo điều kiện cho chiến dịch sau, chiến dịch sau phát huy thắng lợi của chiến dịch trước, giành thắng lợi dồn dập ngày càng lớn đi đến thắng lợi cuối cùng ngày 30/ 4/ 1975.

    • Chiến dịch Tây nguyên:

Mở đầu tiêu diệt 7 vạn quân địch, xóa sổ quân đoàn 2 và quân khu 2 của địch, tiêu diệt và tan rã một đoàn phòng ngự lớn, giải phóng một địa bàn chiến lược quan trọng, dẫn đến sự suy sụp và tan rã về chiến lược của địch. Mở ra thời cơ tổng tiến công chiến lược, đồng thời tạo thời cơ cho chiến dịch Huế- Đà nẵng, mở ra bước ngoặc quyết định của thời kỳ kết thúc chiến tranh.

    • Chiến dịch Huế – Đà Nẵng: 

Tiếp theo là chiến dịch tiến công hình thành trong quá trình tổng tiến công chiến lược. Từ hai chiến dịch của hai quân khu phát triển thành chiến dịch có ý nghĩa chiến lược đã tiêu diệt Quân đoàn 1, Quân khu 1 ngụy. Cùng với chiến dịch Tây nguyên, làm thay đổi hẳn so sánh lực lượng địch ta, trực tiếp đánh bại âm mưu co cụm chiến lược của địch, tích cực tạo điều kiện cực kỳ quan trọng cho chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

    • Chiến dịch Hồ Chí Minh (Từ ngày 26/4 đến 30/ 4/ 1975):

Trải qua một tháng liên tục tổng tiến công và nổi dậy mạnh mẽ, quân và dân ta đã giành được những thắng lợi cực kỳ to lớn qua hai chiến dịch Tây nguyên và chiến dịch Huế – Đà Nẵng, tiêu diệt và làn tan rã lực lượng quân sự, phá hủy và thu toàn bộ binh khí kỹ thuật, căn cứ kho tàng và đập tan toàn bộ hệ thống chính quyền ngụy ở hai quân khu – quân đoàn địch. Ta đã giải phóng hoàn toàn một dải đất rộng lớn gồm 16 tỉnh và 5 thành phố (Huế, Đà nẵng, Quy nhơn, Nha Trang, Đà Lạt) cùng nhiều quận lỵ, chi khu, yếu khu quân sự thuộc miền Đông Nam bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long, vùng giải phóng được mở rộng, chiến ¾ đất đai và gần ½ số dân miền Nam.

So sánh cả về thế và lực giữa ta và địch đã có sự chuyển biến hoàn toàn có lợi cho ta. Lực lượng địch bị tiêu diệt và tan rã gần một nửa, còn thực lực của ta lại tăng cường mạnh mẽ.

Quân và dân ta đã thu nhiều kinh nghiệm mới cả trong lãnh đạo, chỉ huy và tổ chức thực hiện những chiến dịch tiến công quy mô lớn trong điều kiện có thời gian chuẩn bị cũng như trong tình huống gấp rút, tận dụng thời cơ tiêu diệt gọn và làm tan rã từng quân đoàn, quân khu của địch.

Về phía địch, sau khi mất Quân khu 1 và Quân khu 2, chúng thu gọn tàn quân, chấn chỉnh lực lượng còn lại gấp rút khôi phục một số sư đoàn đã bị đánh tan, điều chỉnh bố trí phòng ngự, cố giữ các địa bàn còn lại ở cực Nam Trung bộ và Nam bộ (thuộc Quân khu 3 và Quân khu 4 của chúng), chúng mong dựa và hệ thống phòng thủ này để trì hoãn cuộc tiến công của ta cho đến mùa mưa.

Để tiếp sức, ngụy quyền Sài Gòn kéo dài giờ phút hấp hối. Tổng thống Mỹ  – G Pho đã lập cầu hàng không khẩn cấp, gấp rút tăng cường vũ khí trang bị cho quân ngụy. Quân ngụy vội vã lập ra tuyến phòng ngự từ xa ở Phan Rang do một lực lượng quan trọng bộ binh, lính dù, quân biệt động chiếm giữ và 1 sư đoàn không quân yểm trợ, đặt dưới quyền chỉ huy của Bộ Tư lệnh Tiền phương Quân đoàn 3 do Trung tướng ngụy Nguyễn Vĩnh Nghi đứng đầu.

Tại Sài Gòn, địch bố trí nhiều lực lượng khống chế các đường và cầu lớn dẫn vào thành phố tự mọi hướng. Hướng Đông, chúng bố trí Sư đoàn 18 (sau này còn tăng thêm). Lúc cao nhất lên 9 trung đoàn, lữ đoàn, bộ binh, lính dù, lính thủy đánh bộ, 4 trung đoàn thiết giáp án ngữ các con đường số 1 và đường số 15 ở các khu vực Xuân Lộc, Biên Hòa, Long Bình và Long Thành – Bà Rịa. Hướng Bắc, có sư đoàn bộ binh số 5 và 1 trung đoàn thiết giáp bố trí dọc theo đường số 13 ở khu vực Lai Khê, Bến Cát, Thủ Dầu Một. Hướng Bắc, do sư đoàn Bộ binh số 25, 1 Liên đoàn Biệt động, 1 trung đoàn thiết giáp phòng ngự dọc theo dường số 22 và đường số 1 ở các khu vực Tây Ninh, Gò Dầu hạ, Trảng Bàng, Củ Chi, Hóc Môn. Sở Chỉ huy đặt tại Đồng Dù. Hướng Tây Nam do sư đoàn bộ binh số 22 (tan rã từ Bình Định vào mới được khôi phục) phòng thủ dọc theo đường số 4 ở đoạn Bến Lức. Trên các hướng về Sài Gòn, địch bố trí vật chướng ngại để ngăn chặn bộ binh và xe tăng ta. Trung tâm Sài Gòn – Gia Định do một đơn vị lính dù, quân biệt động, thiết giáp, các lực lượng thuộc khu thủ đô phòng giữ, 3 sư đoàn không quân, trực tiếp chi viện cho các hoạt động tác chiến của chúng ở khu vực Sài Gòn – Gia Định. Phía Quân khu 7 (vùng Đồng bằng Sông Cửu Long) đến lúc này địch còn 3 sư đoàn bộ binh của quân đoàn 4, 1 sư đoàn không quân, 5 trung đoàn thiết giáp, 2 sư đoàn bộ binh số 7 và số 9 tập trung về tăng cường phòng thủ đường số 4 trên đoạn đường Tân An – Mỹ Tho hòng bịt cửa ngõ vào Sài Gòn từ phía tây.

Nhìn chung, tập đoàn phòng ngự lớn ở Sài Gòn Gia Định cũng như vùng đồng bằng Sông Cửu Long của địch tuy số lượng còn đông nhưng đã bị chia cắt, cô lập cao độ và sức chiến đấu đã kém sút hẳn, đặc biệt tinh thần thất bại lan rộng trong cả binh sĩ và sĩ quan. Bọn chỉ huy đầu sỏ đã giao động đến cực độ, mất lòng tin vào khả năng chống giữ của chúng và thất vọng vì Mỹ đã “ bỏ rơi”. Tướng Mỹ Uây – en cựu Tư lệnh quân khu viễn chinh Mỹ ở miền Nam được Nhà Trắng và Lầu Năm Góc phái đến Sài Gòn xây dựng kế hoạch phòng thủ và đốc thúc bọn tay sai cũng đã phải thú nhận tình hình quân sự của chính quyền Sài Gòn là tuyệt vọng!

17 giờ ngày 26/ 4/ 1975 chiến dịch Hồ Chí Minh bất ngờ nổ súng, quân ta mở cuộc tiến công trên hướng đông và đông nam Sài Gòn. Tiếp đó, tất cả các hướng đều nổ súng tiến công dồn dập mãnh liệt.

Trên hướng đông, Quân đoàn Bộ binh 4 của ta đánh chiếm chi khu quân sự Trảng Bom, Quân đoàn BB2 chiếm chi khu quân sự Long Thành, trường Sĩ quan Thiết Giáp, Căn cứ Nước Trong, một bộ phận đánh chiếm Bà Rịa. Các đơn vị Đặc công chiếm ngay cầu Xa Lộ trên sông Đồng Nai và cầu Xa Lộ trên sông Sài Gòn. Pháo tầm xa ở Hiếu Liêm đánh tê liệt sân bay Biên Hòa buộc địch phải chuyển máy bay về sân bay Tân Sơn Nhất. Trên hướng Tây Nam, ta cắt đứt đường số 4 từ cầu Bến Lức đến ngã 3 Trung Lương, thu hút lực lượng các sư đoàn 7,9,22 ngụy, tạo điều kiện thuận lợi cho các hướng hoạt động. Binh đoàn 232 sử dụng 1 sư đoàn mở cửa đánh chiếm cầu ở An Ninh, Lộc Giang trên sông Vàm Cỏ để đưa lực lượng đột kích chủ yếu là Sư đoàn BB9 và binh khí kỹ thuật qua sông. Các trung đoàn độc lập 24 và 88 tiến về phía nam Quận 8 Sài Gòn. Ở hướng Bắc, quân đoàn BB1 (thiếu sư đoàn 308) diệt một số trận địa pháo địch, làm chủ đoạn đường số 16 để đưa lực lượng triển khai thọc sâu đã đứng cách phía bắc Thủ Dầu Một 7km.Tại hướng Tây Bắc, quân đoàn BB3 trong một ngày đêm đã diệt 11 trong 18 trận địa pháo địch, cắt các đường số 22 và số 1, chặn các trung đoàn của sư đoàn 25 ngụy từ Tây Ninh co về Đồng Dù, buộc một tiều đoàn (Trung đoàn 50) ngụy phải đầu hàng. Một đơn vị Đặc công và Trung đoàn BB Gia Định đánh chiếm và làm chủ con đường vành đai Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Phước đến Quán Tre và mở cửa các vật cản phía bắc sân bay Tân Sơn Nhất chuẩn bị cho binh đoàn chủ lực tiến công.

Hướng đông và hướng tây bắc, quân địch chống cự quyết liệt để chặn ta chiếm căn cứ Nước Trong, Hố Nai nhằm không cho ta chia cắt Tây Ninh với Sài Gòn. Nhưng trước sức tiến công áp đảo và cách đánh hiểm của ta, địch đã không ngăn nỗi được sự tan vỡ của toàn bộ hệ thống phòng ngự của chúng ở hai hướng này. Như vậy, là từ chiều 26 đến ngày 28 tháng 4 ta đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng lực lượng địch trên tuyền phòng thủ vòng ngoài và siết chặt vòng vây tại vùng ven Sài Gòn.

Chiều 28 tháng 4 năm 1975, Trần Văn Hương từ chức, tổng thống ngụy Dương Văn Minh lên thay. Đúng chiều hôm ấy, một biên đội không quân gồm 5 chiếc máy bay A 37 (chiếm được của địch) cất cánh từ sân bay Thành Sơn (Phan Rang) bất ngờ ném bom sân bay Tân Sơn Nhất phá hủy một số máy bay, trong đó có một số máy bay Mỹ đang làm nhiệm vụ di tản. Trận  đánh phối hợp của không quân ta có tác động lớn đến chiến dịch đẩy địch đến một cơn hoảng loạn mới. Tình hình chính trị của địch ở Sài Gòn đã khủng hoảng cực kỳ trầm trọng. Bọn tướng lĩnh và ngụy quyền cao cấp tranh nhau chạy trốn ra nước ngoài. Hầu hết lực lượng địch tại Sài Gòn ở trong tình trạng hoảng loạn chưa từng có. Sau hai ngày tiến công như vũ bão (ngày 27 và 28 tháng 4) các cánh quân của ta đã thực hiện đúng kế hoạch. Địch cực kỳ hoang mang rối loạn. Bộ Tư lệnh Quân khu 3 của ngụy ở Biên Hòa đã tan rã.

Tối 28 tháng 4 năm 1975, Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh ra lệnh tổng công kích trên toàn bộ mặt trận.

Vào sáng ngày 29 tháng 4, các cánh quân của ta cùng tiến vào trung tâm Sài Gòn.

5 giờ sáng ngày 29 tháng 4 năm 1975, các cánh quân của ta từ nhiều hướng đồng loạt đánh vào Sài Gòn. Với ưu thế áp đảo, quân ta ào ạt tiến công vừa bao vây tiêu diệt và làm tan rã bọn địch còn lại ở vòng ngoài, vừa nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm 5 mục tiêu đã định ở bên trong. Trên những khu vực bộ đội chủ lực không tiến qua hoặc ven các trục đường mà các cánh quân lớn đánh lượt, thì lực lượng vũ trang địa phương cùng quần chúng cách mạng tại chỗ kịp thời nổi dậy, kêu gọi địch hạ vũ khí, đập tan bộ máy kìm kẹp của địch giành chính quyền làm chủ,..

Trong buổi sáng 30 tháng 4, ngụy quyền Sài Gòn họp khẩn cấp các tổng trưởng ở dinh Độc lập làm lễ ra mắt nội các mới. Tình hình địch ở Sài Gòn cực kỳ nguy ngập, buộc tổng thống Dương Văn Minh phải đưa ra một tuyên bố xin ngừng bắn trên đài phát thanh Sài Gòn. Khi đó, 5 cánh quân lớn của ta đã tiến công vào 5 mục tiêu chủ yếu theo kế hoạch,

Quân đoàn BB1 chiến trung tâm hành quân Bộ Tổng tham mưu ngụy và khu Bộ Tư lệnh các binh chủng của địch, Quân đoàn BB3 chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và nhà làm việc của Bộ Tổng tham mưu ngụy. Quân đoàn BB2 chiếm Dinh Độc lập, bắt gọn toàn bộ nội các mới của ngụy kể cả Tổng thống ngụy, Quân đoàn BB4 chiếm Bộ Quốc phòng ngụy và Cảng Bạch Đằng, Đài Phát thanh.

Đoàn BB 232 chiếm Biệt khu Thủ đô và Tổng nha Cảnh sát ngụy.

Đúng 11 giờ 30 ngày 30/ 4/ 1975, cờ Cách mạng tung bay trên nóc nhà Phủ tổng thống ngụy quyền (Dinh Độc lập trở thành hợp điểm của các cánh quân giải phóng Sài Gòn).

Với thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chiến dịch quyết định chiến dịch cuối cùng, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ bộ máy chiến tranh to lớn hiện đại của chính quyền tay sai Mỹ ở miền Nam và quét sạch bộ máy ngụy quyền mà đế quốc Mỹ đã ra sức xây dựng hơn 20 năm. Ta giải phóng hoàn toàn 44 tỉnh ở miền Nam cả các đảo do quân ngụy đóng giữ.

Chiến dịch Hồ Chí Minh, ta đã loại khỏi vùng chiến đấu 1 triệu 10 vạn tên địch, tiêu diệt và làm ta rã 4 quân đoàn ngụy, gồm 13 sư đoàn và nhiều lữ đoàn, trung đoàn bộ binh, lính dù, lính thủy đánh bộ, quân biệt động, 6 sư đoàn không quân, 12 trung đoàn thiết giáp, 22 trung đoàn hải quân, 66 tiểu đoàn pháo binh và toàn bộ lực lượng cảnh sát dã chiến, bảo an, dân vệ cùng mọi tổ chức quân sự và bán quân sự khác của địch. Ta phá hủy và thu toàn bộ vũ khí, phương tiện chiến tranh, cơ sở thiết bị, căn cứ quân sự, hệ thống kho tàng, sân bay, hải cảng gồm hàng ngàn máy bay, hàng ngàn tàu chiến, hàng ngàn khẩu pháo, nhiều kho dự trữ chiến lược lớn, nhiều sân bay và hải cảng hiện đại.

Chiến dịch Hồ Chí Minh là một chiến dịch tiến công lớn nhất chưa từng có trên chiến trường nước ta trong 20 năm kháng chiến chống Mỹ, trong cả 30 năm chiến tranh giải phóng cả về quy mô lực lượng, cường độ tiến công triệt để của chiến tranh cách mạng chống Mỹ ở miền Nam.

TNT

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.