CÔ SÁU – NỮ BIỆT ĐỘNG THÀNH

CÔ SÁU – NỮ BIỆT ĐỘNG THÀNH

(Ghi chép – Phạm Thị Nhí).

Mọi người luôn dành tình cảm đặc biệt và gọi cô bằng hai tiếng thân thương trìu mến, Cô Sáu! Tên thật của cô là Phan Thị Bé, sinh năm 1946 tại ấp Phong Phú, xã Tăng Nhơn Phú, quận Thủ Đức, Sài Gòn – Gia Định.

Thuở nhỏ, cô Sáu là hoa khôi của Làng quê Thủ Đức… Mới 17 tuổi cô Sáu xinh đẹp, nhanh nhẹn, tháo vát, cấy lúa thẳng hàng đều tăm tắp không chê vào đâu được. Trai làng trên xóm dưới để ý, bà con trong làng đều quý mến, nhiều người đến làm bạn với gia đình tỏ ý dạm hỏi, nhưng cô phớt lờ vì còn đau đáu một một nỗi đất nước đang còn chiến tranh thì làm gì có được hạnh phúc. Ý thức trách nhiệm từ khi mới bước chân vào con đường cách mạng cô Sáu trở thành nữ Biệt động Sài Gòn xinh đẹp thời 1964 – 1975 gan góc dạn dày…

(Kèm ảnh cô Sáu thời trẻ)

Chuyện bây giờ mới kể.

Thoát ly theo cách mạng năm 1964, lúc đó tôi mới 18 tuổi. Năm 19 tuổi (1965) mẹ theo chân bắt về ép gả lấy chồng, lần này tôi thoát ly biền biệt không để lại tin tức cho gia đình.Vào căn cứ gia nhập đoàn Y 4 của Sài Gòn Gia Định thuộc cánh Nam chiến trường Nhơn Trạch, Đồng Nai. Tháng 7/ 1967, điều về đơn vị Biệt động Cánh Nam quận Thủ Đức sau này là Phân khu 4, Sài Gòn Gia Định, phục vụ Bộ Chỉ huy Quân sự và liên tục đi công tác Nội Đô. Năm 1968, vào cuối đợt 2, trên đường đi công tác về Nội thành lúc này do trời quá tối thì chẳng may tôi bị lọt vào ổ phục kích và bị giặc bắt trên cánh đồng bưng Long Thành.

Trước giờ phút nhận lệnh công tác, Thủ trưởng gọi tôi mấy lần. Tôi ngoái đầu lại và hỏi: “Thủ trưởng có gì vậy anh?”. Thủ trưởng không nói gì và tôi tiếp tục đi. Lần này cũng vậy, Thủ trưởng gọi tôi. Đến lần thứ ba, Thủ trưởng gọi và chặn tôi đứng lại nói : “Anh định không nói ra điều này, nhưng lương tâm buộc anh phải nói… Em đi đợt này rất khó khăn, một là em chết hai là em bị bắt, anh cảm thấy rất lo”. Đợt công tác này nhiệm vụ của tôi phải làm sao bắt liên lạc và đưa một đồng chí nữ về chiến khu. Chỉ còn cách ngã ba quẹo là về cứ, nhưng tôi vừa tới xã Tam An, Long Thành thì bị an ninh của địch bắt. Do không giữ được bình tĩnh, đồng chí nữ khai : “ Người này đi đâu thì tôi đi đó”. Tôi liền trả lời “Tôi đi xe đò từ Cấp về, tới chỗ Long Thành xe dừng cho khách xuống. Tôi khát nước quá, tôi xuống xe thì bị xe bỏ chạy mất và tôi gặp chị này cũng về Biên Hòa, tôi rủ đi xe lôi cùng về”.

Địch giải hai tôi về bót Long Thành. Mấy ngày liền bị địch đánh đập rất dã man. Tôi cố chịu đựng. Khi được nghe bọn giặc kháo nhau: “Con này cái mặt giống con bà ở Biên Hòa, nó bị khùng”. Tôi bảo chị đó: “ Nó cho khùng là dịp tốt cứ nhận”. Bị gặc giam 4 ngày 3 đêm, không khai thác được gì, họ thả chúng tôi về Sài Gòn. Tôi bảo đồng chí nữ đó về lại vị trí cũ để có dịp tôi tới rước. Vì nơi đây là cơ sở của dòng họ tôi bảo bọc.

Thời điểm này chiến tranh rất các liệt, không ai có thể vào được bên trong nội đô để đưa tôi ra căn cứ. Tôi được cơ sở nuôi heo là bà con giòng họ của tôi thêm 4 ngày 3 đêm. Cuối cùng, đơn vị Biệt động đưa tôi và chị đó vào căn cứ . Về tới đơn vị Biệt động Thành, mọi người rất vui mừng ai ai cũng bảo: “Tưởng con Sáu nó chết vì không chịu nỗi trận đòn roi, tra tấn dã man của địch, các anh chuẩn bị một Đại đội tăng cường để vác em ra”. Khi nghe điều này, tôi rất xúc động, tủi thân và khóc bên vai đồng đội cho thỏa. Trong đêm đó, các anh đưa tôi qua Bộ Chỉ huy tiền phương. Lúc này Bộ Chỉ huy đang họp để bàn kế hoạch tác chiến. Một người trong đoàn reo lên: “ Các anh ơi, nó đã về tới rồi!”.  Các Thủ trưởng Bộ Chỉ huy đến ôm tôi và tung người tôi lên trong niềm vui mừng thắm thiết.  Tôi rất xúc động và hạnh phúc, vì mình luôn giữ vững ý chí lập trường, một lòng trung trinh với Đảng với cách mạng. Bảo toàn cơ sở, bảo toàn lực lượng.

Sau phút sum vầy cùng đồng đội, đồng chí Thủ trưởng nhìn tôi và trìu mến bảo: “Em đã lộ rồi, nên phải về chiến khu”.

Về chiến khu, biên chế vào Phân khu 4, tôi được phân bổ về Phòng Chính trị Phân khu 4 và cử đi học khóa Quân sự khóa 2 miền Nam. Lúc này, tôi đã chuẩn bị chu đáo tiền bạc, súng đạn để lên đường đi học.  Bất ngờ Thủ trưởng Phòng Chính trị Phân khu 4 giữ lại và cho tôi đi học ngành y để nghi trang trong nghiệp vụ tác chiến Đô thành. Học 6 tháng ngành Y, một lớp trên 30 người, tôi được vinh dự giữ lại biên chế vào đội phẫu bệnh viện tiền phương.

Tháng 12/ 1968, Thủ trưởng đơn vị phòng Chính trị bắt về nhưng Bệnh viện giữ lại vì lúc này đang rất cần cho việc chuẩn bị tổng tiến công nội đô. Ở tại Bệnh viện được mấy tháng thì đơn vị cử người đến đưa tôi về công tác Biệt động đặc biệt của Cánh Nam. Vào ra nội thành mấy chuyến đều trót lọt. Được Bộ Chỉ huy tin tưởng tuyệt đối, tôi càng tích cực phấn đấu nhiều hơn nữa, gan dạ và mưu trí, cũng một phần do quá căm ghét chiến. Lòng tôi luôn khao khát cùng đồng đội chiến đấu cho đến ngày hòa bình trọn vẹn.

Năm 1969 tôi vừa tròn 23 tuổi, thời kỳ này đơn vị đang gặp rất nhiều khó khăn, thấy anh chị em khổ quá, đói quá! Tôi xung phong đi tải gạo, nhưng Chính ủy Phòng Chính trị không cho tôi đi, bảo khi nào thật yên tĩnh và cho trinh sát ra vùng ven thì mới cho đi công tác. Tôi nói: “ Cứ cho tôi đi, các anh chết thì tôi chết, không việc gì phải lo ngại”. Cuối cùng, tôi cũng được Ban Chỉ huy chấp nhận cho đi tải lương thực. Khi đến cơ sở và cõng được gạo trở về. Lúc này các anh bảo tôi ở lại chờ, còn các anh đi vào sâu hơn. Tôi chấp hành mệnh lệnh chờ…Không may, trong chuyến đi này đoàn chúng tôi bị lọt vào vòng vây của địch. Trên không máy bay quần, dưới mặt đất địch càn súng ống lăm lăm. Ba bên, bốn bề không tài nào thoát  được. Tôi đã bị bắt với một người nữ, cả hai cũng không biết tên nên rất may cho tôi. Địch giải hai người về Biên Hòa, trên đường bụng nghĩ “nếu lỡ địch đưa về Sài Gòn lộ mặt nhất định sẽ chết!” . Gần đó tôi thấy có người của cơ sở đang dắt bò, tôi nhìn chiếc còng trên tay của tôi hơi lỏng, tôi  định nhảy xe tự tử để bảo toàn bí mật cơ sở cách mạng, nếu có chết thì thế nào cũng tin về cho đơn vị biết. Nhưng khi tôi rút tay nhảy thì bị cản bởi tay của chị nữ đi cùng. Chúng tôi bị đưa vào Phòng Nhì Biên Hòa, bị chúng tra khảo, đánh đập rất dã man, mỗi lần hỏi, mỗi lần thay phương pháp, dụng cụ tra tấn. Chúng đánh dập nát hai bàn tay tôi. Hỏi: “ Mày ở đơn vị nào?” . Tôi chỉ một mực trả lời, tôi không biết, mấy ông ở đó bắt tôi đi dân công thì tôi đi, tôi không biết ai hết, cũng không nhớ đó là ở đâu!”. Gần một tháng tôi bị tra khảo, đánh đập nhưng do nhanh trí trả lời, cuối cùng bọn giặc không khai thác gì được thêm nữa, chúng đưa tôi về Quân Đoàn 3 và đưa về tù binh Hố Nai.

Tại Hố Nai, chúng nhốt tôi chung một phòng với bọn chiêu hồi. Mỗi sáng, tôi và bạn tù đi gánh nước về tắm rửa, chăm sóc thương binh, người già. Bị bọn chiêu hồi sinh sự với tôi và thương binh. Tôi không sợ và trả lời lại : “ Tôi đi gánh nước về tắm giặt cho thương binh, nếu mấy người biết điều thì tôi còn cho xài”. Bọn chiêu hồi báo lên Giám thị, Giám thị gọi tọi ra đánh dằn mặt. Tôi trả lời : “Khiêng nước về cho thương binh và mấy chị là xấu, là có tội sao?. Mỗi ngày phải đấu tranh trực diện với chiêu hồi, trong đầu tôi lúc nào cũng đề cao cảnh giác, cũng nghĩ ra những tình huống đấu tranh không tài nào yên giấc. Hơn một tháng chúng giải tôi và một số người đi nhà lao Quy Nhơn. Trước khi đi chị em tôi được mấy anh tù binh nam vứt mẩu giấy báo rằng “ Đợt này ra sẽ bị vào trại chiêu hồi, trong đoàn chuẩn bị”.  Đoàn tù binh của tôi có một dì 40 tuổi quê Tây Ninh. Chúng tôi bàn bạc và phân công dì dẫn đầu đoàn bạn tù đoàn kết đấu tranh để làm sao phải về được Trại 2 đó là tù binh chính thống.

Từ Hố Nai Biên Hòa bị giải về  Quy Nhơn đã 3 giờ chiều. Ai cũng mỏi mệt. Đúng 7 giờ sáng hôm sau, đoàn tù tập hợp trước phòng Giám thị để đấu tranh qua trại Trại 2. Cách phòng Giám thị khoảng  30 – 40m, nhưng trong đoàn không ai bước lên phía trước. Tôi nghĩ rằng, nếu để thằng giặc phát hiện nó đập tan phong trào thì không cơ hội nữa. Lúc này, tôi bước ra khỏi hàng khoản 3-4 bước thì cả đoàn người bước theo, dì đó không bước mà cứ chựng lại. Tôi thấy tình hình như vậy và tiến lên phía trước rồi cả đoàn người kéo lên mạnh mẽ hơn. Giặc đánh tôi liệt cả hai tay và đưa chị em trong đoàn biệt giam. Mỗi sáng chúng lùa chị em chúng tôi đi phơi nắng. Cuối cùng tôi cũng tìm cách móc nối được tù binh Trại 2. Hơn 2 tháng, tôi chui qua gầm nhà tắm để gặp gỡ, trao đổi rút kinh nghiệm đấu tranh. Được các chị động viên tinh thần, tôi cảm thấy ấm lòng và như được tiếp thêm sức mạnh. Mặc dù bị biệt giam đói, khát, bị đánh đập rất đau đớn thể xác, tinh thần, nhưng chị em bạn tù rất vững ý chí. Tuy nhiên cũng không ngoại lệ, có người không chịu nỗi đòn roi đã chiêu hồi. Sống chung với những đối tượng đó, càng căng thẳng và hết sức khôn khéo, cảnh giác. Cuối cùng, đấu tranh thắng lợi buộc bọn giặc phải đưa chị em qua Trại 2.

Tháng 10/ 1972, Chiến trường miền Nam càng khốc liệt hơn, tù binh phải qua rất nhiều giai đoạn khổ cực và nhiều đồng chí đã hy sinh. Trong tù, chúng tôi luôn động viên nhau, cùng nêu cao tinh thần đoàn kết đấu tranh, buộc giặc phải thực hiện chế độ tù binh cho đúng luật quốc tế. Chiến trường miền Trung bên ngoài đánh mạnh, chúng đưa chị em cả trại về tù binh Cần Thơ.

Ngày 15/2/1973, chúng tôi được trao trả tù binh. Khi về tới sân bay Bình Thủy, cần Thơ thấy phái đoàn 4 bên của ta, trong lòng mừng rơi nước mắt nhưng không dám bộc lộ, sợ bọn giặc tráo trở, nên ai ai cũng đề cao cảnh giác. Chúng tôi vẫn mặc nguyên đồ tù binh màu nâu với bốn chữ “TÙ BINH”. Đoàn tù binh chúng tôi được giải tới sân bay Lộc Ninh. Gặp Quân Giải phóng, cả đoàn vỡ òa xúc động không nói nên lời. Mất liên lạc đã lâu, đơn vị của tôi cứ ngỡ tôi đã chết, nên báo tử về cho gia đình. Vì Trong đêm bị bắt, giặc trói Sáu trong một ngôi làng bị Mỹ càn quét, trước cảnh nhà cháy, người dân chết máu đã khô quánh, trâu bò chết nằm la liệt trên đồng. Một thằng Mỹ chỉa súng vào mặt Sáu nói: Khi đêm Việt Cộng dập pháo dữ”, Sáu cãi lại thằng Mỹ: “Cả đêm mấy ông trói tôi nằm ở đây với mấy ông, chính mấy ông làm việc này mà nói họ “bọt chê”! Vừa dứt lời, thằng Mỹ đưa tay ra dấu cắt cổ. Đồng đội tôi trông thấy cảnh tượng này nghĩ là tôi đã bị Mỹ lôi đi bắn và đã chết.

Những ngày sau đó, chúng tôi được nghỉ ngơi và thường gặp cô Ba Định (Anh hùng Lực lượng Vũ trang – Nữ tướng Nguyễn Thị Định), được nghe cô hướng dẫn và thông báo về tình hình chiến sự miền Nam, chúng tôi rất hào hức muốn bay về ngay chiến trường để tác chiến. Khi biết tin tôi còn sống, đơn vị cử người đến đón về Phòng Chính trị Quân khu biên chế A6 của đội Biệt động chiến trường phía Nam. Tôi ở Đội 1 cánh Nam Thủ Đức, cùng năm 1974 đội chúng tôi xuống đường ém quân chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trong chiến dịch Mùa Xuân 1975.

Ảnh:  Cô Sáu bên các cựu Thủ trưởng Biệt động Thành

Ngày hòa bình thống nhất đất nước 30/4/1975 tôi vẫn ở trong quân đội tham gia công tác của Bộ Chỉ Huy thành phố Hồ Chí Minh đảm nhiệm tài chính, quân hàm Thượng tá phục vụ quân đội cho đến năm 2007 thì nghỉ hưu và được thiếu tướng Nguyễn Răng thủ trưởng mời tham gia Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Hồ Chí Minh cho đến bây giờ.

Ảnh : Cô Sáu, thiếu tướng Nguyễn Răng và đồng đội

Nhớ lại những năm tháng nơi chiến trường vui, buồn hạnh phúc. Nhớ những tủi nhục tù đày đòn roi, thân gái mảnh mai sống mái với quân thù, lòng bền lòng không hề nao núng. Đội Biệt động Thành, đi công tác Đô ngàn trùng nguy hiểm nhưng vẫn phới phới niềm vui. Xem cái chết tựa lông hồng, lòng vững tin ngày chiến thắng. Bây giờ nghĩ lại, thấy cuộc đời đầy thi vị và may mắn sống sót trở về cùng đội làm công tác xã hội từ thiện, cùng tiếp bước với nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên hành trình công lý là một diễm phúc, dẫu biết rằng năm nay tuổi chẳng còn sung mãn như cái thời mười tám đôi mươi. Nhắc đến chuyện riêng tư, cô Sáu nhìn vào khoảng không xa xăm, im lặng. Cô lắc đầu và lau nước mắt không ngừng. Bởi đã quá muộn màng, khi cuộc chiến tranh còn đang diễn ra thì mãi lo việc nước. Cô ý thức sẽ không hạnh phúc khi quê hương chìm trong khói lửa, biết bao thân phận gánh nặng chồng con mà dang dở một đời. Thảm họa chiến tranh kinh hoàng hàng ngày diễn ra, biết bao cảnh sinh ly tử biệt.  Đến ngày hòa bình thống nhất, tưởng nghĩ rằng mình sẽ sanh được đứa con khỏe mạnh, nhưng rồi chỉ vài ba tháng mang thai, đứa con chưa đủ hình hài đã từ biệt mẹ mà đi… Cô Sáu đang bị nhiễm chất độc hóa học! Nỗi đau thương mất mát từ hậu quả chiến tranh để lại không nói thành lời…

Cô Sáu (Phan Thị Bé) đang làm việc tại VAVA TP. Hồ Chí Minh

Cô Sáu không chồng, không con và sống một mình trong căn nhà riêng tại đường Cao Thắng, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh, tầng trệt cho các cháu gái là con cháu của bà con ở dưới quê thuê. Dù vật giá đắc đỏ nhưng cô không bao giờ tăng giá và luôn tạo điều kiện tốt cho các cháu an tâm học tập và lao động. Cô sống giản dị, nghiêm khắc và luôn nêu cao tinh thần cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư.

Trụ sở Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Hồ Chí Minh tọa lạc tại số 331 Trần Hưng Đạo, Phường 10, Quận 5, cô Sáu  đảm nhiệm chức vụ Thủ Quỹ Hội. Cô về Hội làm việc trên 10 năm nay, mặc dù tuổi cao nhưng cô Sáu vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, với tâm niệm còn một chút phần đời còn lại làm được gì có ích cho nạn nhân da cam, cho đồng chí, đồng đội thì cô sẵn lòng…

PTN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.