Ngày 31/10, Đài Tiếng nói nước Nga phát tiếng Việt có bài nói về thảm hoạ da cam do cuộc chiến tranh của Mỹ gây ra ở Việt Nam. Bài báo nói:

“Người Mỹ bắt đầu dọn lọc những vùng đất bị nhiễm dioxin tại Việt Nam. Trong cuộc chiến tranh năm xưa, từng đoàn máy bay Mỹ đã đổ xuống rừng nhiệt đới của Việt Nam khoảng 72 triệu lít chất độc da cam khai quang làm rụng lá cây, trong đó có 44 triệu lít chứa dioxin. Đây là chất độc nguy hiểm nhất, đọng lại trong đất cho tới khi hủy hoại toàn bộ sự sống trên địa bàn. Có nhiều ý kiến khác nhau, tuy nhiên vẫn chưa ai biết rõ chính xác thời hạn phân giải hoàn toàn của thứ độc chất khủng khiếp này – thậm chí, theo một số người, dioxin có thể gây hại đến 500 năm.


 

Mệnh lệnh đầu tiên về việc sử dụng vũ khí hóa học ở Việt Nam đã do Tổng thống John Kennedy ký duyệt từ rất lâu trước khi quân Mỹ xâm lược Việt Nam năm 1965, – như báo Nga “Nezavisimaya Gazeta” cho biết. Những thí nghiệm tương ứng ở miền Nam Việt Nam đã khởi đầu hồi giữa năm 1961. Đến ngày 30 tháng 11 năm ấy, Tổng thống John F. Kennedy chấp thuận cho sử dụng chất độc khai quang trên địa bàn miền Nam Việt Nam. Những thùng da cam chứa chất độc tử thần trôi nổi tại Đà Nẵng. Đám mây độc lan tỏa dần dần trên vùng đất Việt Nam và bao trùm diện tích rộng lớn. “Cuộc chiến không có máu chảy” do người Mỹ tiến hành đã dẫn đến tác động ghê gớm dưới góc độ triệt hạ nhân lực và vùng lãnh thổ của đối phương, gấp hơn nhiều lần so với dội bom napalm, hơn cả hỏa lực của xe tăng và pháo binh hạng nặng. Đến những năm 70 chiến tranh hóa học đã chụp xuống 43% diện tích canh tác và 44% diện tích rừng cây miền Nam Việt Nam.

Từ năm 1987, các chuyên viên khoa học của Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga bắt tay nghiên cứu ảnh hưởng của dioxin tại Việt Nam. Kết quả cho thấy những hậu quả tàn phá thảm họa, – ông Yuri Prischepa Phó Giám đốc Viện các vấn đề Sinh thái và Tiến hóa thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, điều phối Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga cho biết:

“Dioxin thẩm thấu sâu vào lòng đất, tích tụ ở đó và khi nóng lên nó hóa hợp thành những chất độc hại mới. Trên mảnh đất bị nhiễm độc không cây cỏ gì có thể mọc được, dioxin đầu độc cả nước sông và các mạch ngầm. Khi thâm nhập và tích tụ trong cơ thể người, dioxin gây bệnh da liễu, làm tăng nguy cơ bệnh tiểu đường và ung thư, làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Chúng tôi nghiên cứu sự thay đổi bệnh lý trong cơ thể của người Việt Nam thế hệ thứ tư. Giống như chất phóng xạ, dioxin tích lũy trong cơ thể và khi đạt đến mức nhất định, nó bắt đầu hoành hành gây tác động tiêu cực. Những tài liệu nghiên cứu chính của chúng tôi đã công bố trên các phương tiện truyền thông Nga, Việt Nam và quốc tế. Công tác của các chuyên viên tạo cơ sở để người Mỹ có trách nhiệm chi trả những khoản tiền bồi thường nào đó cho các nạn nhân”.

Người Mỹ giúp đỡ các nạn nhân dioxin tại Việt Nam thông qua những tổ chức phi chính phủ, hỗ trợ xây dựng trại trẻ mồ côi, nơi đến bây giờ vẫn còn những trẻ em bị dị tật bẩm sinh và bệnh bất thường nhiễm sắc thể. Tổng cộng ở Việt Nam cò khoảng 4,8 triệu nạn nhân dioxin, 3 triệu trong số đó mắc những căn bệnh nghiêm trọng. Thế nhưng chính quyền Hoa Kỳ vẫn không muốn thừa nhận những người này là nạn nhân của chiến tranh hoá học.

Khiếu kiện của những công dân Việt Nam bị tổn hại sức khỏe do việc chính quyền Hoa Kỳ sử dụng vũ khí hóa học trong chiến tranh, đến nay vẫn chưa được đáp ứng. Trong khi đó có nghịch lý là những cựu binh Mỹ từng hiện diện trong khu vực diễn ra các cuộc tấn công hóa học, thì lại nhận được từ các nhà sản xuất chất khai quang độc hại khoản tiền đền bù 180 triệu dollar. Năm 2005, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã ban hành thông tư quanh co rằng bất kỳ quyết định nào thiên về có lợi cho người Việt Nam cũng sẽ tác động đến vị thế của các cựu chiến binh ở nước Mỹ… và “làm hạn chế đáng kể khả năng của Tổng thống tiến hành chiến tranh ở nước ngoài”. Theo lối lập luận như vậy, báo Mỹ viết rằng “ngọn gió da cam” có thể gây ra cơn cuồng phong chính trị ở Hoa Kỳ.

Việc lọc sạch dioxin trên đất Việt bắt đầu từ khu vực phi trường Đà Nẵng. Đất cắt lên từ độ sâu 3 mét và đưa vào lò quay đặc biệt. Dưới tác động của môi trường nhiệt độ của 1000 độ C, dioxin dường như bị nung cháy hoàn toàn, hoặc là đánh mất tính năng giết chóc của nó và trở nên “sản phẩm sạch về sinh thái”. Như khẳng định của các tác giả đề án, mọi tro, xỉ từ lò nung này có thể sử dụng vào mục đích hòa bình như là vật liệu xây dựng hoặc phân bón. Chỉ từ nay đến năm 2016, theo lời viên đại sứ Mỹ tại Hà Nội David Shear, dự kiến trung hòa 73 nghìn mét khối đất. Với mục đích như vậy, ngân sách của chính quyền Obama đã phân bổ 41 triệu dollar. Thế nhưng tất cả những con số nêu trên chỉ là giọt nước trong biển cả.

Theo đánh giá của nhóm chuyên viên đối thoại Việt-Mỹ Agent Orange – Dioxin, công việc loại bỏ những ổ nhiễm độc lớn như trên địa bàn tỉnh Đà Nẵng đòi hỏi kinh phí không dưới 450 triệu dollar. Đã công bố quyên góp gây quĩ trên thế giới để ủng hộ. Một phần tiền nào đó thu được thông qua các quỹ từ thiện, các cơ quan Liên Hợp Quốc và tổ chức quốc tế, thêm vào số mà ông Obama đã duyệt chi. Tuy nhiên, đối với công việc tẩy độc quy mô lớn hơn, thì chừng ấy tiền rõ ràng chưa đủ. Đất đai Việt Nam trong thời gian dài lâu nữa vẫn còn phải gánh chịu hậu họa từ cuộc chiến tranh tàn bạo và phi nhân mà người Mỹ tiến hành những năm xưa”.

 

(RIA 31/10)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.