Ngày 3/12, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo về phục hồi chức năng (PHCN) cho nạn nhân chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã đến dự và chỉ đạo Hội thảo.


 

Hội thảo nhằm đánh giá kết quả bước đầu sau 4 năm triển khai Dự án “Tổ chức phục hồi chức năng (2008-2012) cho nạn nhân chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”; chia sẻ kinh nghiệm trong phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng đối với nạn nhân chất độc hóa học/dioxin nói riêng và đối với người khuyết tật nói chung để từng bước thực hiện thắng lợi  “Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020”.

Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận sự cố gắng của Bộ Y tế, đội ngũ các thầy thuốc trong việc  phòng ngừa bệnh tật, chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh, PHCN cho người bị nhiễm chất độc hóa học/dioxin trong thời gian qua.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, việc quân đội Hoa Kỳ và đồng minh sử dụng chất độc hóa học/dioxin trong chiến tranh ở Việt Nam (VN) từ năm 1961-1971 đã gây những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường sinh thái và sức khỏe con người. Đã có nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, Australia, Nhật, Italia… về tác hại của dioxin lên cơ thể con người như: gây các dị dạng bẩm sinh, bất thường về thai sản, ung thư và nhiều bệnh tật khác.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Việc triển khai PHCN tại cộng đồng cho nạn nhân chất độc hóa học/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam là lâu dài cho nên cần tiếp tục huy động các nguồn lực thực hiện chương trình này. Làm sao để 100% số cán bộ, người có công và con cháu họ được hưởng các ưu đãi trong việc PHCN. Khi triển khai cần bảo đảm công bằng, đúng đối tượng. Phó Thủ tướng đề nghị, ngành y tế tăng cường công tác khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng cho người khuyết tật, cho nạn nhân chất độc hóa học/dioxin; đồng thời, tăng cường thông tin để người dân phát hiện sớm các dị tật, các tổn thương liên quan đến chất độc hóa học/dioxin, đến khám, điều trị kịp thời, nhằm phát hiện sớm, can thiệp sớm phục hồi chức năng. Ðẩy mạnh các hoạt động phòng ngừa khuyết tật cho nhân dân, xem xét việc nhân rộng mô hình tư vấn di truyền, đầu tư xây dựng la-bo chẩn đoán trước sinh cho các đối tượng ở những địa phương có điểm nóng về dioxin. Các nhà khoa học tăng cường các nghiên cứu về ảnh hưởng của chất độc hóa học/dioxin để đưa ra các giải pháp xử lý phổ biến rộng rãi. Bộ Y tế tiếp tục phối hợp các bộ, ngành và các địa phương thực hiện thành công Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2020.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị các chuyên gia, các nhà khoa học y học, các nhà quản lý y tế cùng nhau thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, đánh giá kết quả bước đầu của dự án; rút ra bài học kinh nghiệm, làm cơ sở để đề xuất mở rộng Dự án trong thời gian tiếp theo. 

Bộ trưởng Y tế cho biết, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, Hội nạn nhân chất độc da cam tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho các nạn nhân chất độc hóa học/dioxin hiệu quả và thiết thực hơn.

Theo PGS.TS. Trần Trọng Hải, Phó giám đốc Dự án “Tổ chức PHCN tại cộng đồng cho nạn nhân chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở VN”, đến thời điểm này, dự án đã tiến hành điều tra cơ bản và phát hiện nhu cầu PHCN cho 14.886 nạn nhân và người khuyết tật tại 3 huyện điểm thuộc 3 tỉnh Thái Bình, Quảng Ngãi và Đồng Nai; đào tạo được 777 cộng tác viên PHCN tại cộng đồng. Dự án cũng đã phối hợp với các bệnh viện, viện tổ chức khám cho 6.670 nạn nhân và người khuyết tật, phẫu thuật cho 69 nạn nhân, PHCN cho 258 nạn nhân tại các bệnh viện hoặc khoa PHCN ở tuyến tỉnh và huyện. Cấp phát 820 dụng cụ trợ giúp cho các nạn nhân gồm: xe lăn, xe lắc, ghế bại não, máy trợ thính và nẹp chỉnh hình…

Bên cạnh những kết quả đạt được, PGS.TS. Trần Trọng Hải cũng chỉ rõ một số khó khăn thách thức trong quá trình triển khai Dự án như: chưa cung cấp được dịch vụ PHCN cho những nạn nhân bị chất độc hóa học nặng do không có người nhà của nạn nhân đưa đi khám hay hỗ trợ đi đến các điểm PHCN; nhu cầu về phẫu thuật chỉnh hình của nạn nhân da cam còn nhiều trong khi kinh phí của dự án hạn hẹp; tiêu chí đánh giá nạn nhân da cam chưa thống nhất giữa các bộ, ngành…/.

 

(Tin tổng hợp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.