HỖ TRỢ SỬA CHỮA NHÀ Ở CHO NẠN NHÂN DA CAM Ở QUẬN 5
Sáng ngày 31/10/2018 Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các cơ quan ban ngành đoàn thể phường 6, quận 5 tổ...
Ghi chép
Ông Phạm Văn Tay, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Củ Chi cho biết, hiện nay Củ Chi có gần 600 người bị ảnh hưởng di chứng chất độc da cam/dioxin, trong đó có hơn 250 người hoạt động kháng chiến và con đẻ. Còn lại là dân thường và con cháu có liên quan. Đời sống những gia đình đa phần rất khó khăn do bệnh tật triền miên, nên Huyện hội liệt vào nhóm đối tượng cần chăm lo và giúp đỡ trên tinh thần tương thân, tương ái. Vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc, ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, Tết Trung thu … các cháu nhỏ và gia đình có nạn nhân da cam đều được quan tâm, ai ai cũng được nhận quà.
Ngoài chương trình trợ vốn sinh kế cải thiện đời sống, xây nhà tình thương, phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng, huyện Hội phối hợp với Phòng Lao động Thương binh Xã hội và Trung tâm Y tế huyện tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe y tế cho nạn nhân da cam. Về lâu dài, Huyện hội đã triển khai thành lập phòng vật lý trị liệu gắn với việc mở lớp học tình thương, xóa mù chữ, tạo cơ hội cho các nạn nhân môi trường giao tiếp, gặp gỡ chia sẻ kinh nghiệm. Mô hình học chữ kết hợp vật lý trị liệu cho nạn nhân chất độc da cam và con cháu nạn nhân bị dị tật bẩm sinh ở huyện Củ Chi hình thành từ năm 2016 đến nay duy trì hoạt động hiệu quả. Ban đầu thu hút được 22 học viên tham gia, đa số con em bị dị tật bẩm sinh như câm, điếc, bại liệt tứ chi, thiểu năng trí tuệ, tâm thần nhẹ… Sang năm học 2017 – 2018 có 26 người tham gia vào lớp. Hai cô giáo trẻ của Trường Đại học sư phạm tốt nghiệp khoa khuyết tật, tình nguyện đứng lớp đều đặn mỗi tuần. Các cô đã truyền cảm hứng cho học viên, có thể nói đây là nơi giao lưu, gặp gỡ mỗi sáng Chủ nhật hàng tuần của các gia đình có nạn nhân chất độc da cam. Đặc biệt, các học viên gắn bó, yêu thương và đã hình thành thói quen đến lớp. Có những trường hợp phụ huynh bị bận việc, các em cự nự, đòi đưa đến lớp cho bằng được dù là trời nắng hay mưa, hay một lý do nào khác.
Phòng Vật lý trị liệu được bố trí với một không gian thoáng đãng ở tầng trệt tại trạm y tế phường Tân Thạnh Tây. Phía trên lầu là lớp học tình thương. Cứ sau giờ giải lao, các cháu lần lượt đến đây để luyện tập sức khỏe và được người phụ trách xoa bóp bấm huyệt, bốc thuốc nam mang về sắc uống. Những vị thuốc cây nhà lá vườn vô hại, chủ yếu trị gân cơ, khớp và bồi bổ sức khỏe. Lớp học cũng là sân chơi bổ ích nhằm khơi gợi tiềm thức trong điều kiện có thể, các cháu nhỏ (thế hệ thứ 3) biết đọc, biết viết, biết làm các phép tính, biết phân biệt màu sắc, giới tính. Được hòa nhập, các cháu cảm thấy bản thân mình được tôn trọng, tự tin hơn nhiều. Sức khỏe được cải thiện hơn. Nhiều cháu đỡ bớt trầm cảm, phụ huynh cảm thấy an tâm, tâm lý mặc cảm, tự ti nặng nề vơi nhẹ phần nào..
Ảnh: Học viên khiếm thính trả bài bằng ngôn ngữ đặc biệt.
Cô Lê Thị Nguyệt và Thu Vân dạy trường Nuôi dạy trẻ em khuyết tật huyện Củ Chi, đến với lớp học tình thương của Hội Da Cam như một cái duyên qua sự giới thiệu của Trường Đại học Sư phạm Thành phố. Khác với trường dạy trẻ chuyên biệt, lớp học tự nguyện là chính, thể theo sức khỏe mỗi học viên áp dụng phương thức trị liệu tâm lý và thể chất, kết hợp dạy chữ bằng ngôn ngữ đặc biệt. Bài dễ đối với người bị bệnh chậm phát triển, thiểu năng trí tuệ. Đối với dạng tật khiếm tính, điếc sâu thì áp dụng ngôn ngữ ký hiệu. Giáo viên linh động kết hợp hài hòa các kỹ năng ngôn ngữ, ngôn ngữ hình ảnh, ngôn ngữ nói, viết, ký hiệu… Ví dụ như bé Tiến, khó khăn vận động, chậm phát triển, tâm thần nhẹ, chúng tôi vận dụng khả năng ngôn ngữ, nay đã tiến triển rất tốt. Cháu Lê Chí Nhịn, khiếm thính, điếc sâu, vận dụng khẩu hình miệng, ngôn ngữ ký hiệu. Lê Chí Nhịn rất chăm học, ban đầu viết chữ rất chậm, nay đã thành thạo môn toán lớp 1. Bé Trần Quốc Thịnh và bé Trần Trí Dũng, khiếm thính hoàn toàn, điếc sâu. Em được học tại trường Khuyết tật Củ Chi, nhưng vẫn tham gia lớp học tình thương da cam Củ Chi. Kiên trì luyện tập, nay hai em đã biết đọc, biết viết. Nguyễn Hồ Anh Thư hai lần phẫu thuật chỉnh hình, vật lý trị liệu nay đã tự đi lại được những bước ngắn, em rất chăm chỉ đến lớp, làm toán rất giỏi, đặc biệt môn tính nhẩm. Đa phần anh chị lớn tuổi, khả năng trí tuệ chậm phát triển, do trước đây sống thu mình trong một không gian gia đình nhỏ hẹp, nên rất trầm cảm, ít nói, thiếu tự tin. Chủ yếu tạo không gian giao tiếp để hòa nhập. Tuy học trước, quên sau, nhưng sau thời gian đến lớp, nhận thấy các anh chị phấn chấn hẳn lên, nói năng lưu loát.
Cô giáo cầm tay, nắn nót từng con chữ, phép tính cho các bạn học viên da cam. Nhìn những bàn tay còng queo oằn mình trên trang vở, các bạn thực hiện bài học một cách say sưa, khi cô giáo ngợi khen, niềm vui lại hiện rõ trên mỗi gương mặt quắt queo, dị dạng. Một cảm giác gần gũi, ấm áp đến lạ thường…
Ông Phạm Văn Tay hồ hởi cho biết thêm, qua hai năm triển khai đề án chúng tôi nhận thấy rất ý nghĩa vì được cộng đồng xã hội đồng tình ủng hộ. Phụ huynh rất tán thành. Phát huy hiệu quả hoạt động này, thời gian tới, Huyện hội Củ Chi sẽ tiếp tục triển khai mô hình này rộng thêm ở các cụm y tế trong huyện. Điểm tiếp đến là xã Tân Thạnh Đông, với sự tài trợ của Quỹ hòa bình và Phát triển thành phố Hồ Chí Minh và vận động một số nhà hảo tâm trợ giúp học cụ, học liệu để triển khai lớp, vật lý trị liệu phục hồi chức năng, một chút hy vọng không những cải thiện về thể chất, tinh thần cho nạn nhân da cam trong điều kiện và khả năng của địa phương.
Tin – ảnh Phạm Thị Nhí, Đỗ Rin.