Cáo buộc liên quan đến Tập đoàn hóa chất đa quốc gia Monsanto của Mỹ
Ngày 18-4-2017, sau sáu tháng làm việc, Tòa án quốc tế về Monsanto tại La Haye (Hà Lan) đã công bố kiến nghị tham vấn về sáu vấn đề cáo...
Cổng tường khóa kín, bên song có một người thanh niên bị xích trông điển trai, tay đang cầm chiếc bánh mì, thỉnh thoảng đưa đôi mắt ngây dại nhìn xung quanh, rồi bước tới, bước lui bên đống ghế đá bị đập phá gãy vụn, miệng lầm bầm.
Nghe tiếng gọi, người cha rón rén ra mở cửa và nhắc nhở khách:
Ông ái ngại nhìn chiếc còng xích khóa cổ chân đứa con trai, nói gượng:
Đống đổ nát này là chiến tích đêm qua đó.
Một cảm giác lành lạnh len lỏi nơi xương sống, rồi rần rần chạy khắp người tôi. Cảm giác sờ sợ tăng dần, làm cho tôi không làm sao giữ chặt máy ảnh để khỏi bị rung. Tay tôi bắt đầu run, mặc dù thâm tâm tôi rất muốn ghi lại khoảnh khắc này một cách thận trọng hình ảnh người thanh niên có đôi mắt ngây dại đó cùng với một sức mạnh sau cơn điên dại.
Anh ấy đang nghĩ gì, nói gì mà đi tới, đi lui. Tay vẫn cầm chặt chiếc bánh mì. Tôi bước nhanh nép vào một góc và xin phép gia chủ chụp một tấm hình về anh để làm lưu niệm. Người cha tỏ vẻ không vui, nhưng vì tình thương con, thương cái số phận nghiệt ngã, do cái nguyên nhân đáng ghét của hậu quả chất độc hóa học để lại di chứng cho gia đình ông, cho những đứa con thương yêu nhất của ông và những gia đình có con tật nguyền quê hương ông phải đang gánh chịu:
Hy vọng là không có chuyện gì xảy ra, tôi thầm nhủ và mím chặt môi giữ bình tĩnh. Hình ảnh này tôi mong rằng sẽ ghi lại và lưu giữ trong album tài liệu về di họa chiến tranh hóa học và điểm anh điên này đang đứng là thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh. Anh cũng là một minh chứng của nạn nhân da cam thế hệ thứ hai, góp thêm tiếng nói đồng điệu của một kiếp người, phơi bày một thảm họa da cam cùng những điều nạn nhân da cam đang mong muốn công lý phải thuộc về họ. Mong rằng cái khoảnh khắc này không làm tổn thương đến lòng tự trọng của người cha đã từng vào ra sinh tử trong cuộc chiến tranh chống Mỹ giữ nước, gìn giữ mảnh đất quê hương rừng ngập mặn Cần Giờ trọn vẹn cho đến ngày nay.
Nỗi đau thể xác và tinh thần khó biểu đạt thành lời. Đây là đứa con trai đầu đáng yêu của ông đã đi điều trị nội trú nhiều lần gần 20 năm qua ở bệnh viện tâm thần thành phố . Thời gian nằm viện ngắn thì 1- 2 tháng, lâu thì từ 1 đến 2 năm, nhưng bệnh tình chỉ tạm dừng lại mà không thấy có dấu hiệu thuyên giảm. Thấy con ngày một gầy, xanh xao do mất ngủ và ăn uống thất thường, rồi không đâu cho bằng tình thương và sự chăm sóc trực tiếp của cha mẹ, ông bà lại đón con về nhà, mong muốn được nhìn thấy con mỗi ngày, tự tay chăm sóc con trong sự ấm áp yêu thương của gia đình. Ông bà đã dồn hết tâm lực hầu mong con dần dần khỏe lại, bớt lên cơn và tỉnh táo như người bình thường. Nhưng niềm mong mỏi ấy chỉ là hư ảo, con ông vẫn điên dại, càng khùng nặng hơn khi trời bắt đầu chuyển mùa. Mỗi khi nắng gay gắt hơn, nó càng điên loạn đập phá dữ dội hơn.
Suốt ngày đêm, năm tháng, có lẽ không tính hết thời gian ông ngủ được mấy tiếng đồng hồ, thức cùng con trong bệnh viện, lo cho con từng miếng ăn, giấc ngủ. Ông ăn cơm bệnh viện, còn cơm của con thì ông mua bên ngoài, mỗi lần đi mua thức ăn phải đứng chờ hộ lý ra mở cổng, khi vào cũng phải đứng chờ có khi vài chục phút là chuyện thường ngày. Nơi bán thức ăn cách xa cổng Bệnh viện hơn vài cây số, khổ nổi khi mua thức ăn về, tưởng con ăn được, nó lại trở chứng bảo đổi món khác, ông lại vòng ra lần nữa, lúc này lại phải đứng chờ lâu hơn mà còn bị hộ lý cự nự nữa chớ! Một ngày ông đã đi không biết bao nhiêu lần như thế, chân mỏi rả rời, đổ bỏ không biết bao nhiêu thức ăn mà con ông cũng vẫn không vừa lòng. Chưa nói hết những khi con lên cơn điên loạn, chửi cha mắng mẹ là chuyện nhỏ, nó còn đánh người vô cớ bất kể là ai, không chọc ghẹo, kích động hoặc nhìn ngó nó cũng đánh; trong gia đình 2 em của nó (do bận đi học) bị đánh ít nhất cũng trên chục lần, người bị đánh nhiều nhất là ông. Mặt mày bị tét đổ máu phải đi bệnh viện khâu lại, có lần bị đánh trúng mắt phải máu chảy xuống ướt cả áo và mắt bị mờ không nhìn thấy gì nữa; mẹ nó cũng ăn 1 chày đâm tiêu trên đầu khâu 6 mũi. Đấy là chuyện trong nhà, còn ngoài đường nếu tính chính xác thì trên năm chục người bị nó đánh gây thương tích. Vừa mắc lòng, vừa đau xót, điểm lại không biết bao nhiều lần gia đình ông xin lỗi bà con, không biết bao nhiêu lần đền tiền cơm thuốc.
Ông Thuận ngậm ngùi chia sẻ:
– Khi lên cơn nó không biết ai là ai, thời gian điều trị ở bệnh viện các bác sĩ kết luận cháu bị “ Tâm thần phân liệt thể không biệt định”. Đã là tâm thần thể không biệt định thì con mình làm gì có cảm xúc, có tình thương, làm gì biết phân biệt phải quấy. Nghĩ vậy để rồi cho lòng mình bớt căng thẳng khi phải đối diện trước những cơn thịnh nộ của con.
Nét mặt ông đượm buồn:
– Nuôi con riết rồi cũng có kinh nghiệm, biết con lúc nào sắp sửa lên cơn. Khi con còn vui vẻ nói chuyện là thời cơ tốt nhất để tiếp cận nói chuyện, dỗ ngọt, hứa hẹn đủ điều để cho con hợp tác, nào là: con để ba (hoặc mẹ) trói con lại nha, chứ không trói khi lên cơn con không còn biết gì nữa ba, mẹ nói không nghe con đập phá hư đồ đạc hết. Đồng ý, là nó tự giác đưa chân cho ba, mẹ cột ngay.
Mỗi lần tự tay mình trói con, ruột gan ông bà như kim châm muối xát, đau đớn đến tột cùng! Ngược lại nếu không hợp tác thì đành bó tay đứng nhìn con đập phá đồ đạc mà lòng vô cùng xót xa, không phải xót xa đồ đạc bị hư hỏng mà là xót xa cho số phận của một con người bằng xương bằng thịt như bao người khác sao lại phải gánh chịu nỗi đau đớn thể xác và tinh thần như vậy? Người cha suốt bên con chịu trận, mặt mày sướt, sẹo tùm lum, mắt ông đỏ hoe vì thiếu ngủ, người gầy rạc liêu xiêu nhưng ông vẫn kiên cường đứng bên con, cùng con vượt qua những ngày trái gió trở trời khắc nghiệt. Đúng là “Không ai thương con bằng cha mẹ, chỉ có tình thương cha mẹ mới bù đắp phần nào sự đau đớn trong con”. Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng là vậy, ông đã sắp gần đến tuổi 70 rồi, con ông mỗi ngày lớn khỏe, nhưng nhận thức thì không, mỗi khi lên cơn là đập phá, đánh người, khi vượt rào mà không phát hiện kịp thời thì nó đi suốt không định hướng, không biết đường về nhà. Nhiều lần nó bỏ đi giữa trưa nắng gắt với đầu trần chân đất, mẹ nó phải chạy xe theo sau canh giữ sợ nó lên xe buýt lên huyện Nhà Bè thì biết đâu mà tìm, phải nhờ xe huyện đội và các chiến sỹ hỗ trợ đưa cháu về nhà; có 2 lần nửa đêm trốn đi gia đình không hay do mòn mỏi, kiệt sức ngủ say không hay, nó trốn đi trong đêm đến tận xã Long Hòa cách nhà 13 cây số, may nhờ người quen thông báo gia đình ông mới biết đem con về.
Kể về con, ông cười hiền lành:
– Con của mình mà! Thật tội, khi lên cơn, cha mẹ, anh em, người thân đối với nó đều xa lạ! Năm nay thằng Bùi Tuấn Anh của tôi, sinh năm 1984 vậy đã tròn 33 tuổi, nếu may mắn thì cũng có vợ con, tôi cũng được làm ông rồi!
Giọng ông Thuận vẫn trầm ấm đều đều mà sao nghe xót xa quá.
Qua câu chuyện được biết ông Bùi Công Thuận, sinh ra và lớn lên tại Tân Hào, Giòng Trôm, Bến Tre. Đời ông gắn liền với cuộc cách mạng Quê hương Đồng Khởi. Năm 1973, tham gia du kích địa phương, tháng 2 năm 1975 chuyển lên công tác tại Ban Tham mưu Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đội Bến Tre, sau ngày 30/4/1975 chuyển về đại đội Vệ binh tỉnh Bến Tre. Năm 1977, đi học trường sĩ quan Lục Quân 2, năm 1979 ra trường sang giúp bạn Campuchia công tác ở Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 115, Sư đoàn 317 đóng quân ở tỉnh Cong pong Thom (Campuchia), thuộc Mặt trận 779. Năm 1982 được Bộ Tư lệnh Quân khu 7 rút về nước, ông tình nguyện xuống công tác tại Ban Chỉ huy Quân sự Huyện đội Duyên Hải (huyện Cần Giờ ngày nay) thuộc Bộ Tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh. Đến năm 2005 nghỉ hưu, cấp bậc Trung tá.
Ảnh: Ông Bùi Công Thuận đang nói chuyện
Nét mặt ông buồn buồn nhìn sang đứa thứ hai. Con trai tôi đó, Bùi Bảo Anh, sinh tháng 9 năm 1990, trước nó một vài năm mẹ nó mang thai hơn 7 tháng (thai bị chết lưu). Bảo Anh bị u đa xương các khớp tay chân nhiều nhất là bên trái, hở van tim 2 lá, Bác sĩ khuyên hạn chế trong vận động mạnh nhất là chạy nhảy và các môn thể thao nguy hiểm, sức khỏe so với các bạn cùng trang lứa thì thua kém xa nhưng bù lại Bảo Anh được cái thông minh học giỏi, đậu 2 trường Đại học, thời gian học Đại học cháu được nhận Giấy khen giải “Sinh viên nghiên cứu khoa học” và được nhà trường cử đi thi Olympic tin học. Hai lần tổ chức ở Cần Thơ và Hà Nội, kết quả cháu đạt Giải ba cuộc thi Olympic tin học sinh viên toàn quốc do Bộ trưởng Bộ Giáo dục ký, khi tốt nghiệp cháu được 2 giấy khen “Sinh viên học giỏi toàn khóa học” và “Sinh viên bảo vệ Khóa luận xuất sắc”. Hiện cháu ra trường hơn 4 năm nay và có việc làm ổn định, tự lo cho bản thân và giúp một phần phụ gia đình.
Niềm vui truyền sang đứa con thứ ba: Bùi Việt Anh, sinh tháng 1 năm 1996, tuy sức khỏe không được tốt lắm nhưng thông minh, hiếu học. Năm nay đang học năm thứ ba Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Ngành Vật lý Lý thuyết Hạt nhân. Ngày 22/ 4/ 2017, sinh viên Bùi Việt Anh vinh dự nhận học bổng của Quỹ Hòa bình và Phát triển thành phố Hồ Chí Minh. Tại buổi lễ trao học bổng, sinh viên Bùi Việt Anh thay mặt hơn 100 con cháu nạn nhân da cam thành phố vượt khó trong học tập đã hứa cố gắng vươn lên, khắc phục khó khăn, vượt lên nỗi đau chất độc da cam để học tập tốt. Ông Thuận chia sẻ cuốn Clip do ông ghi lại cảnh con của mình và các con cháu nạn nhân da cam trong buổi Lễ trao học bổng với nhiều cung bậc cảm xúc dạt dào…
Theo sử liệu của Huyện đội Cần Giờ, năm 1964 lần đầu tiên máy bay Mỹ phun rải trắng chất khai hoang khắp khu ngập mặn nhằm xóa sạch rừng để bộ đội ta không còn nơi trú quân, hủy hoại môi sinh, nguồn nước bị nhiễm chất độc hóa học rất nặng nề. Cần Giờ trước kia có một diện tích Rừng Ngập mặn rất lớn, đa dạng về thực vật động vật (đặc biệt là cá Sấu, chim cò, heo rừng…) là vùng cung cấp gỗ, củi, thủy sản quan trọng cho Thành phố Sài Gòn xưa kia, nhưng vào những năm chiến tranh 1945-1975 rừng cây đã bị bom đạn và thuốc khai quang rải xuống nhiều lần, vì đây là căn cứ địa kháng chiến. Lượng thuốc khai quang đã phun rất lớn : 665.666 gallons chất độc màu cam, 3.453,385 gallons chất độc màu trắng và 49.200 gallons chất độc màu xanh (Ross 1975). Cộng với nạn phá rừng bừa bãi nên các cánh Rừng Ngập mặn Cần Giờ bị hủy diệt hoàn toàn biến nhiều vùng thành các bãi hoang, trảng trống, cây lùm bụi. Các loại động vật rừng ngập mặn, các loài chim và các loài tôm cá cũng biến mất. Hệ sinh thái rừng ngập mặn nguyên thủy ở Cần Giờ đến sau 1975 gần như không còn nữa.
Năm 1978, rừng được Chính quyền và nhân dân Cần Giờ tổ chức trồng lại rừng, hiện nay rừng được phục hồi màu xanh như rừng ban đầu và được tổ chức UNESCO công nhận là “Khu Dự trữ sinh quyển của Thế giới”, nó là lá phổi xanh của thành phố.
Cần Giờ hôm nay đang từng ngày hồi sinh phát triển, nhưng đằng sau số phận không may là những câu chuyện buồn của người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin ít khi chia sẻ, bởi lòng tự trọng, họ không hề muốn hình ảnh con mình bị nhận diện một cách méo mó. Nhìn lại mình, ông Thuận tự nhủ thầm: “Trong cái họa còn có cái phúc được làm cha, hơn hẳn biết bao thân phận khác ngày trở về sau chiến tranh là những câu chuyện bi thương. Nhiều phụ nữ mất khả năng làm mẹ, nhiều đàn ông nằm một chỗ mất khả năng tự lực trong sinh hoạt phải trông cậy vào người thân và cộng đồng giúp đỡ. May mắn được tự tay chăm sóc con, chìu con, ôm con mỗi khi con đau ốm là phước lớn của người cha”. May mắn cho ông, nơi cuối con đường vẫn còn ánh sáng lóe lên từ hai đứa con ăn học thành đạt.
Hơn hai nhiệm kỳ làm Phó Chủ tịch Hội, ông đã sát cánh kề vai cùng với anh chị em trong Hội làm rất nhiều việc có ý nghĩa, tích cực vận động ủng hộ chăm lo đời sống nạn nhân chất độc da cam. Khéo léo tuyên truyền vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện, vận động đồng chí, đồng đội cùng các cấp Hội đóng góp xây nhà tình thương, trợ vốn, cấp học bổng. Khuyến khích các nạn nhân thường xuyên đến các trung tâm y tế để thăm khám sức khỏe, phục hồi chức năng, vật lý trị liệu để tăng cường sức khỏe, chiến thắng nỗi đau, hòa nhập cộng đồng. Tổ chức, đón tiếp các đoàn y tế từ thiện của thành phố trong việc chăm sóc sức khỏe, cấp thuốc miễn phí, tặng quà cho bà con nghèo, khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam/dioxin của huyện.
Bằng tất cả tinh thần vượt khó vươn lên, thương người như thể thương thân, đoàn kết, trách nhiệm vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin cùng với những đóng góp tích cực trong công tác xã hội của huyện Cần Giờ, ông Bùi Công Thuận rất xứng đáng được tôn vinh và nhận Bằng khen của Trung ương Hội.
Bài viết: PTN
Ảnh minh họa: Huỳnh Kim Ấn.