Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo xử lý vấn đề “Nhức nhối chuyện “da cam” ở Nghi Lộc”
Báo Nghệ An số ra ngày 24/2/2012 có bài "Nhức nhối chuyện "da cam" ở Nghi Lộc" phản ánh: Việc thực hiện chế độ hỗ trợ nạn nhân bị nhiễm...
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ
Ủy viên MTTTVN thành phố Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Hồ Chí Minh.
Từ khi Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin ra đời đến nay đã có rất nhiều hoạt động tích cực, vừa cấp bách vừa lâu dài. Hội nạn nhân, nơi hội tụ tấm lòng hảo tâm, là chiếc cầu nối giữa nhà tài trợ với nạn nhân, để rồi đồng vốn được đến với nạn nhân nhanh chóng, an toàn và hiệu quả. Có rất nhiều ý kiến trao đổi và những hiến kế thiết thực giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam – người khuyết tật bằng vật chất tinh thần. Đến với hoàn cảnh đặc biệt, giúp đỡ thường xuyên cho họ lúc ốm đau, hoặc cho những người tuổi đã cao, sức đã kiệt không khả năng lao động.Vậy, sự bền vững đó là như thế nào? Tặng chiếc cần câu hay là cho con cá?
Tôi cũng từng nghĩ, cũng là một con người, nhưng số phận lại khác nhau. Nếu một cộng đồng đầy tình nhân ái, nếu được cái nhìn bao dung của toàn xã hội thì có lẽ họ sẽ hạnh phúc hơn nhiều. Họ là những nhóm người bị thương tổn bởi hậu quả chiến tranh để lại, vết thương càng bị cứa sâu hơn mỗi khi họ đối đầu với môi trường làm việc, môi trường sống thiếu sự thân thiện giữa người với người. Môi trường xã hội vẫn là cái vỏ bọc của sự sinh tồn. Bài toán cuộc sống của nạn nhân da cam thời gian còn lại sẽ đi về đâu? Đến nay vẫn còn là ẩn số.
“ Cây khô xuống nước cũng khô, số nghèo đi đến xứ mô cũng nghèo”, nghèo ở đây ngoài sức khỏe, vật chất còn nghèo cả về tinh thần nữa, nghèo vì tâm lý bị nhiều ức chế. Họ bị kìm hãm trong vô vàn khó khăn, hạn chế trước cái nhìn thiển cận và sự nguyền rủa của số phận! Giải tỏa, hướng đi, giúp đỡ như thế nào là bền vững, tránh sự thương tổn tâm hồn? NNCĐDC cũng từng luôn mong mỏi cuộc sống của gia đình họ có một ngày tươi sáng hơn, giải phóng cái nghèo muôn đời đeo bám! Mong mỏi cái nhìn tốt đẹp về họ, để giúp họ vơi bớt nỗi tự ti mặc cảm, mong mỏi người đời giảm bớt sự miệt thị, rẻ khinh. Họ rất mệt mỏi vì phải đối mặt từng khắc, từng giờ với những sân hận của hậu quả chiến tranh không lúc nào nguôi. Khả năng của con người giới hạn, nhưng đối với những người yếu thế họ lại có bản năng tự vệ và vượt khó rất cao. Thật giá trị biết bao, khi “chiếc cần câu” của nhà tài trợ tặng cho họ vào đúng thời điểm thích hợp! Thế nhưng, hành trình phía trước của nạn nhân da cam còn rất nhiều gian lao, có người đã không còn chờ đợi được bởi thời gian và bệnh tật đã cướp đi sinh mạng. Thật nhói lòng khi những ông bố, bà mẹ bị nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh nay tuổi đã cao, chết dần, chết mòn, còn lại những đứa con thuộc thế hệ thứ hai, những cuộc đời thực vật, những hình hài dị dạng với bệnh tật hiểm nghèo đang từng ngày giày vò cơ thể. Còn biết bao người thân của họ mỗi phút, mỗi giây âm thầm chịu đựng sự khốn khó, những nặng trĩu âu lo vì phải mất việc làm và lo lắng tìm kế sinh nhai cho cả gia đình. Của cho không bằng cách cho mà hãy nâng đỡ họ bằng trái tim chân thành, yêu thương và sẻ chia đúng lúc khi cần. Không nên là khẩu hiệu, hay đánh bóng bôi trơn chính mình, đừng bên họ bằng cái nắm tay hờ hững, nhạt nhẽo, vô vị bằng sự bố thí ban ơn để mong bản thân mình được tỏa sáng, nên bắt đầu bằng việc làm cụ thể, hành động cụ thể như thế nào để khi họ đón nhận sự giúp đỡ một cách hoan hỉ, động viên, kích thích ý chí tự lực vươn lên!
Mười lăm năm trôi qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Hồ Chí Minh các chương trình chăm lo về nhà ở, trợ vốn, học bổng , khám chữa bệnh, tặng quà thăm hỏi dịp lễ tết, trợ cấp khó khăn đột xuất, tổ chức các hoạt động giao lưu cho nạn nhân da cam. Tổng vận động 41.766.748.740 đồng. Trong đó có sự đóng góp tích cực của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh về quà Tết và học bổng Nguyễn Hữu Thọ hàng năm. Hội đã chăm lo cho 5250 lượt nạn nhân với tổng số tiền 39.027.049.193 đồng. Thực hiện các chương trình hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 69 căn nhà tình thương, trợ vốn sinh kế cho 209 lượt gia đình, cấp 2.864 suất học bổng, tặng 35.721 phần quà vào dịp lễ, tết, ngày 10/8, trợ cấp 2.902 trường hợp khó khăn, khám chữa bệnh, phẫu thuật chỉnh hình cho 3.037 người, cấp 272 chiếc xe lăn, cứu trợ các trận lũ lụt các tỉnh miền Trung, miền Tây và vùng ven biển Cần Giờ… Đặc biệt, trong đợt lũ lụt miền Trung năm 2020, thiếu tướng Trần Ngọc Thổ và 9 chiến sĩ Quân khu 7, xe Quân sự Quân khu 7, vận động các nhà hảo tâm, tổ chức cá nhân được 800 xuất quà, mỗi suất 200 ngàn đồng, 11 tấn hàng bao gồm 5,5 tấn gạo 2 tấn mền, 4 tấn quần áo, 01 tấn mì gói và thuốc men, hạt rau giống trực tiếp đoàn từ thiện đến thăm đồng bào Quảng Trị và Quảng Bình.
Bắt đầu năm 2009 đến nay, Hội triển khai dự án xây dựng Làng Cam – Trung tâm nuôi dưỡng, điều trị, dạy nghề cho nạn nhân da cam với mục đích để con cháu bị nhiễm da cam có một nơi nương tựa. Dự án đã được Các cấp lãnh đạo thành phố và sự đồng thuận của các sở, ban ngành. Hội đã được cấp quyền sử dụng đất lâu dài, địa điểm xây dựng Làng Cam tại ấp 6, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, nhưng khi tiến hành xây dựng thì gặp phải thủ tục nhiêu khê, trăm bề rối rắm. Bên cạnh đó, nguồn vận động đầu tư, tìm nhà tài trợ, chọn đối tác là cả một vấn đề nan giải… nên rất cần sự trợ giúp của các cấp, ban ngành và sự ủng hộ của muôn vạn tấm lòng gần xa.
TNT