NHỮNG ĐÓA HOA VIỆC THIỆN TÔ ĐIỂM CHO ĐỜI

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, Nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7

Phó Chủ tịch Trung ương hội, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin

thành phố Hồ Chí Minh.

Thấm nhuần lời dạy và vận dụng tư tưởng dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”,thực hiện phong trào nêu gương dân vận khéo hiện nay, tại cơ quan đơn vị Hội Nạn nhân chất độc da cam còn có những tấm gương tiêu biểu điển hình vì nạn nhân chất độc da cam, tôi cho đó là những đóa hoa việc thiện sáng giá đáng được trân trọng như đồng chí Nguyễn Thị Nhỏ, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Bình Chánh, Bùi Thị Thanh Nga, nguyên Bí thư Quận ủy Quận 1, hiện nay Chủ tịch Hội NNCĐDC Quận 1, Phạm Thị Loan, Phó Chủ tịch huyện Hội Củ Chi.

Đồng chí Trần Thị Nhỏ, chia sẻ là trải rộng tình yêu thương

Tuy tuổi cao, sức khỏe có hạn, nhưng đồng chí Nguyễn Thị Nhỏ vẫn mỗi ngày đến cơ quan làm việc, cùng anh chị em trong Hội len lỏi đường thôn, ngõ xóm đến thăm hỏi, động viên kịp thời lúc ốm đau hay gia đình nạn nhân có người qua đời. Mỗi năm, Huyện hội Bình Chánh hoạch định kế hoạch cụ thể cho từng thời điểm để vận động muôn vạn tấm lòng gần xa chăm lo tết cho người nghèo bất hạnh, sửa chữa, xây nhà tình nghĩa cho nạn nhân da cam, thực hiện các chương trình trợ vốn, tiếp sức đến trường cho con cháu nạn nhân đồng thời nghiên cứu, vận dụng các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước trong công tác chăm lo các đối tượng chính sách, người có công nhằm thuyết phục các tầng lớp nhân dân tham gia phong trào vì nạn nhân chất độc da cam và người kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam mang tính bền vững. Với tấm lòng thơm thảo, mỗi khi đến cơ sở chị Nhỏ dành một khoản tiền lương hưu trí khiêm tốn của mình bỏ vào phong thư trao tặng. Ngoài nguồn huy động tập thể, cá nhân trong và ngoài huyện, mỗi năm Bình Chánh còn vận động các sư ni, phật tử chùa, nhà thờ các cấp chính quyền địa phương cùng chung tay chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân và các cháu khuyết tật, người nghèo neo đơn. Trong hơn 10 năm qua, huyện Hội Bình Chánh đã huy động được gần trên 2 tỷ đồng, thực hiện 5 đợt chăm sóc sức khỏe y tế cho đồng bào, vận động được 100 thẻ bảo hiểm cho người nghèo neo đơn, hướng dẫn, tư vấn cho 200 lượt người tham gia làm hồ sơ giải quyết chế độ chính sách có hiệu quả. Tổ chức được 32 Chi hội, phát triển và cấp thẻ cho 350 hội viên.

Đồng chí Bùi Thị Thanh Nga, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam Quận 1:

Sống có trách nhiệm, bằng tình yêu thương trải rộng đã gắn kết muôn người cùng hướng đến cái đẹp giúp người, giúp đời…chị Bùi Thị Thanh Nga luôn giữ vai trò nòng cốt tiên phong trong dân vận, vận dụng những lợi thế, kinh nghiệm và tiềm năng phát triển kinh tế của Quận nhà, chị Thanh Nga đã cùng chị em trong Ban Thường trực tổ chức các buổi tọa đàm, nói chuyện, giao lưu, họp mặt hội viên, thông qua việc tổ chức cấp thẻ Hội viên và những dịp Đại hội, Hội nghị phát động phong trào thi đua vì nạn nhân da cam, Quận hội Quận 1 nhận được sự đồng tình ủng hộ của các nhà hảo tâm, các cấp chính quyền thành phố.  Năm  2012  đến nay đã huy động trên 2 tỷ đồng, chăm sóc thường xuyên cho 30 gia đình nạn nhân da cam, mỗi gia đình hàng tháng được hỗ trợ từ 200.000 đồng  đến 300.000 đồng. Qua rà soát, Quận 1 có 352 nạn nhân da cam, trong đó thế hệ thứ hai có 52 người. Còn nhiều gia đình sống trong hoàn cảnh khó khăn, gia đình có từ 2 – 3người bị nhiễm chất độc hóa học, như gia đình ông Nguyễn Công Đắc có 3người con trai bị tâm thần nặng, bản thân ông Đắc bệnh u não phải phẫu thuật nằm một chỗ, vợ bệnh nan y. Chị Bùi Thị Thanh Nga đã vận động cán bộ Quận tự nguyện trích lương, mỗi tháng hỗ trợ cho gia đình ông Đắc và các con ông và 10 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. (Kèm ảnh)

Ảnh: Đồng chí Bùi Thị Thanh Nga (áo dài hồng) tại Đại hội nhiệm kỳ 2014 – 2019

Đồng chí Phạm Thị Loan, sống hết lòng vì nạn nhân da cam

Huyện Củ Chi có hơn 600 người khuyết tật do di chứng da cam, có hơn 300 nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học. Nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2 đa phần dị dạng dị tật bẩm sinh, mất khả năng tự phục vụ trong sinh hoạt, nạn nhân thế hệ  thứ 3 ra đời thiếu tay chân, mù lòa, mất khả năng vận động nên gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Hơn 30 năm gắn bó với công tác phụ nữ và công tác Hội, chị Phạm Thị Loan đã thuộc lòng từng tên làng, tên xóm, hiểu sâu sắc hơn từng hoàn cảnh của mỗi gia đình có con dị dạng, dị tật. Không biết bao nhiêu ngàn ngày bước chân của chị theo từng con lộ, vượt qua những nơi ruộng xa, xóm vắng, dẫn hết đoàn này đến đoàn khác đến thăm, tìm hiểu, động viên, san sẻ yêu thương. Đúc kết những kinh nghiệm chăm sóc người bệnh, chị phối hợp với trung tâm y tế, Hội Phụ nữ tổ chức các buổi tập huấn hội viên nhằm tư vấn cho các bà mẹ trẻ biết chăm sóc sức khỏe, tầm soát thai nhi, hạn chế rủi ro khi gặp phải vấn đề bất cập trong thai sản, để phòng tránh hạn chế sinh con dị dạng, dị tật. Nhờ kinh nghiệm quý báu đó, đến lúc về làm công tác Hội Da Cam, chị Loan trở thành “hoa tiêu” cho những chuyến hành trình đến với nạn nhân da cam của các đoàn khách trong nước và quốc tế. Bắt đầu năm 2016 đến nay đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện, xã gần nơi cư trú của nạn nhân da cam và người khuyết tật, tổ chức tốt mô hình vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, mở lớp học tình thương theo cụm thuận tiện cho phụ huynh đưa con đến lớp mỗi ngày. Qua thời gian tổ chức mô hình này, các cháu khuyết tật đã biết đọc, biết viết, tinh thần hoạt bát và phấn chấn hẳn lên, nhiều cháu bị bệnh DOW, tâm thần nhẹ đã có nhiều tiến bộ, gia đình các nạn nhân phấn khởi trước sự chuyển biến tốt về thể chất, tinh thần của các con.

 

Đồng chí Phạm Thị Loan (Ảnh trái thứ 4) tại buổi họp mặt kỷ niệm

Ông Phạm Văn Tay, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Củ Chi rất tâm đắc trước kết quả và  bày tỏ quan điểm của mình : “Các cháu khuyết tật đã chịu rất nhiều thiệt thòi nên Huyện Hội áp dụng chương trình vật lý trị liệu kết hợp với học chữ để các cháu phát triển ngôn ngữ. Tôi thấy chương trình này phù hợp vì đã tập hợp được sự đồng thuận của các cơ quan ban ngành, đặc biệt Trung tâm Y tế xã”. Các nhà tài trợ như Quỹ Hòa Bình và Phát triển thành phố Hồ Chí Minh đã tận tình giúp đỡ về tài chính, các công ty đóng trên địa bàn huyện ủng hộ vật chất, tinh thần như tập vở, sữa, bánh mì, mỗi buổi sáng cho các cháu no lòng an tâm đến lớp. Người có công và kiên trì phải nói đến đó là Chị Phạm Thị Loan. Chị không quản khó khăn, tận tụy đến từng gia đình, động viên, thuyết phục phụ huynh đưa con đến lớp, con gái của chị Loan là giáo viên nên cũng đã dành thời gian để tham gia dạy chữ cho lớp học tình thương da cam huyện nhà và vận động đồng nghiệp tham gia.

Nhằm tiếp tục thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020 và đánh giá vai trò nòng cốt công tác dân vận khéo của đội ngũ cán bộ Hội cơ sở về nhiệm vụ chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam.  Bằng những hoạt động thiết thực vì lợi ích cộng đồng, Hội nạn nhân da cam dần dần thuyết phục được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể địa phương.  Với sự khéo léo trong vận động, phối hợp nhằm tạo cơ hội cho nạn nhân điều kiện cần thiết vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, Hội Nạn nhân chất độc da cam quận huyện là cầu nối với nhà tài trợ, ngày càng quy tụ được nhiều tấm lòng nhân ái trong và ngoài nước quan tâm. Các chị đã nêu cao tinh thần “Dân vận khéo”,  “Sống học tập và làm theo gương Bác Hồ kính yêu”, những nghĩa cử cao đẹp, vô tư, trong sáng và tấm lòng vì mọi người, tôi cho đó là những đóa hoa việc thiện làm sáng lên giá trị nhân văn của con người rất xứng đáng được tuyên dương.

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.