NHỮNG MẨU CHUYỆN DA CAM  Ở PHÍA SAU RỪNG NGẬP MẶN CẦN GIỜ.

36 TUỔI VẪN NẰM TRONG VÒNG TAY MẸ.

Mưa thâu đêm. Phố phường còn chìm trong giấc ngủ. Chúng tôi dậy sớm lên đường. Chiếc xe máy ba bánh đồng hành cùng chúng tôi trên chuyến đi lần này có vẻ thúc dục hơn.

Sáng sớm tinh mơ người và xe đợi phà đã kín mít.

Chúng tôi đứng đợi gần nửa tiếng đồng hồ, rồi cũng đến lượt.

Lên được phà chờ cập bến cũng mất hơn 10 phút, chạy tiếp thêm đoạn đường dài, rẽ vào xã Bình Khánh. Dự định hôm nay sẽ đến thăm một vài gia đình sau 5 năm năm kể từ khi được thành Hội trợ vốn.

Ông Bùi Công Thuận ở dưới thị trấn Cần Thạnh gọi điện, vội vã vượt hơn 40 cây số và chờ đón chúng tôi ở ngã ba xã Tam Thôn Hiệp. Ông giới thiệu một hoàn cảnh thương tâm khác đang cần sự sẻ chia.

Chúng tôi không thể nào cầm lòng được, bởi ngay lúc này, trước mắt mình là tấm thân khô gầy và sự sống của em dường như đang rất hiếm hoi. Cháu bé nói vậy chứ năm nay đã hơn 36 tuồi rồi, đang nằm thở thoi thóp trong căn phòng nhỏ. Thấy khách đến, em cố trườn người, nhưng hai chân và tay ốm tong teo không thể nhích lên nỗi. Em dùng cái đầu nhỏ thó rướn hết sức, miệng ú ớ căng mắt nhìn.

Ảnh: Chị Nguyễn Thị Đẹp sinh  ngày 19/ 4/ 1980 với tấm thân khô gầy…

Qua thăm hỏi, được biết mẹ ruột của chị Đẹp là bà Phạm Thị Tư, sinh năm 1952,  quê gốc  Gò Công, Tiền Giang. Sinh ra và lớn lên tại tổ 3, ấp An Hòa, xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, gia đình bà Tư bám trụ ở đây cho đến ngày hòa bình, thống nhất. Bà Phạm Thị Tư  tham gia công tác giao liên, tiếp tế lương thực, thuốc men nuôi quân.

Ngày hòa bình thống nhất trở về, mong ước có một mái ấm gia đình hạnh phúc, nhưng cuộc đời bà chẳng mấy suôn sẻ và số phận trớ trêu thay! Sinh cháu ra Phạm Thị Đẹp hình hài không được bình thường. Lúc mới sinh, bà Tư thấy cái đầu con mình nhỏ xíu như quả cam. Bà nuôi mãi nhưng không thấy lớn. Cái đầu không não ấy đã làm cho thân hình chị Đẹp càng èo uột, còng queo. Bà Tư ngày đêm hy vọng con mình sẽ khỏi, nên dù làm lụng vất vả mấy bà cũng chịu được, miễn có tiền chữa trị cho con hết bệnh.

Kể về đời mình, bà nói có những khi mình thấy cũng thật ích kỷ. Nhiều lúc nhìn con đau yếu, ngẫm nghĩ cuộc đời sao thấy khốn khổ quá trời nên tôi muốn cho chiếc xuồng úp luôn để quyên sinh một thể. Lần đó, tôi dong xuồng cùng hai con nhỏ trên các kênh rạch hái củi, lượm ve chai, đến sông Thị Vải trời mưa gió tả tơi. Chiếc xuồng nhỏ không mái che đã mấp mé be nước.  Nhưng đứa con trai lớn lúc đó chừng 5 tuổi đã thúc : “Mẹ ơi, bỏ củi hết xuống sông đi, tát nước đi mẹ! Con không muốn chết mẹ ơi!”.  Con trai tôi ra sức tát nước, kéo củi vứt xuống sông. Còn con bé Đẹp thì nằm mê man, lọt thủm trong cái ổ ướt sũng.

Hàng ngày bà Tư dành thời gian chăm sóc cho con, tranh thủ  giúp việc nhà, dọn vườn cho bà con quanh thôn, xóm gần đó để có tiền lo cho con gái. Còn đứa con trai đầu đã có vợ và con ở chung với bà. Năm sáu miệng ăn trông chờ ở cái quán phở bé tí, vắng khách vãng lai.  Năm tháng dần trôi, cuộc sống mưu sinh của phụ nữ góa bụa đơn thân càng thêm gian khó, bệnh tình của cháu Đẹp mỗi ngày sa sút thấy khó vượt qua. Bà Phạm Thị Tư mong mỏi tấm lòng gần xa thông cảm hoàn cảnh gia đình, hầu giúp một phần nào đó trong khó khăn để bồi dưỡng thêm cho cháu Đẹp. Hiện tại, cháu Đẹp đang hưởng trợ cấp ưu đãi con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học hàng tháng 1.380.000 đồng.  Đã hơn 36 năm rồi, có lẽ trong đôi mắt ngây dại của chị Đẹp chỉ biết cái ô cửa sổ và chùm lá na phe phẩy vui đùa làm bạn với chị thì phải.

Chị Phạm Thị Đẹp mỗi ngày quằn quại đau thương trong căn phòng nhỏ hẹp. Cửa sổ chỉ mở một cánh cho ánh sáng lọt qua. Ngoài hiên những chùm lá na tươi xanh lặng lẽ làm bạn cùng chị. Giờ đây, cái tấm thân khô đét này đang cần được phép màu hồi sinh. Liệu có được chăng hỡi trời, có được chăng hỡi những người đã nhẫn tâm đem chất độc hóa học rải xuống đất rừng ngập mặn Cần Giờ,  để đến bây giờ hiểm họa vẫn còn day dứt trong mỗi phận người mong mỏi một lần được sống trọn vẹn?

Ông Bùi Công Thuận xót xa nói : “ Nơi đây còn rất nhiều hoàn cảnh tương tự như trường hợp chị Phạm Thị Đẹp, Tường Vân, Thiên Vân vậy lắm. Họ đang sống ở phía trong sâu. Nơi đó đường ruộng rất khó đi, mỗi lần đến phải qua đò, lội sình. Những ai có đôi chân thật khỏe mới đến để thăm họ được. Cuộc sống của họ rất vất vả, ít được sẻ chia. Vì họ ở tuốt trong ruộng sâu. Hôm đợt rồi, tôi có dẫn đoàn khách Cựu Chiến binh Hàn Quốc đến gia đình ông Lũy, là gia đình bị nhiễm chất độc hóa học, họ nhiệt tình lội bộ hơn 5 cây số đường bờ ruộng lầy lội để thăm và tặng quà .

Lúc này đã quá nửa trưa, chúng tôi tranh thủ đến xã An Thới Đông ghé thăm gia đình chị Tốt, thắp nén nhang cho hai cháu Thiên Vân – Tường Vân. Di ảnh hai cháu yên tịch trên bàn thờ trong làn khói nhang hãy còn rất mới.

Xin tạm gửi những câu chuyện buồn của người phụ nữ đơn thân nuôi con dị tật đang từng ngày khát khao sự sống cùng hai trẻ song sinh Tường Vân,Thiên Vân đến với lương tri con người… Xin cầu nguyện nơi cõi vĩnh hằng Tường Vân, Thiên vân siêu thoát. Thời gian đi qua, nỗi đau của người mẹ cũng dần tạm lắng.

Gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, tâm niệm điều đó như chính lời răn thường nhật để những nạn nhân chất độc da cam chúng tôi tiếp tục vững bước đi trên quãng đường còn lại. Ngày mai dù có bao giờ, mỗi người phải tự vươn lên, tự cố gắng để hoàn thành sứ mệnh đời người tạo hóa ban cho quyền sống, quyền được yêu thương và mưu cầu hạnh phúc. Biết rằng, trong mỗi con người không ai sướng cũng không ai phải khổ, phải chịu nỗi đau thân phận suốt đời.

Cố gắng và càng cố gắng lên thôi!

Chúng tôi cùng động viên nhau rồi lại tiếp tục lên đường.

KHÔNG ĐẦU HÀNG SỐ PHẬN

Hôm nay Chủ nhật, như mọi lần chúng tôi dậy thật sớm để chuẩn bị lên đường. So với người bình thường thì chỉ cần một vài động tác nhẹ là lên xe ngay, nhưng đối với chúng tôi những người khuyết tật vận động chân tay thì phải mất trên 15 phút để ràng cột dụng cụ hỗ trợ như xe lăn, gậy chống để lên đường. Có vẻ chuyến đi này thú vị hơn nên trong lòng mình ai nấy đều thấy rạo rực, nao nao vì còn vài điểm mới trong rừng Sác chưa có dịp đến.

Rừng Sác hôm nay bỗng trở nên rực rỡ hơn trước chòm nắng hiếm hoi, con đường còn nhiều chỗ lởm chởm ổ gà. Mặt đường sạch bóng, trong lành sau trận mưa đêm. Rừng hun hút chạy dài đến tận con sông lớn. Hai bên đường, cây cối um tùm rậm rạp, hàng dừa nước nối nhau trên các kênh rạch đục ngầu.

Những hàng đước, bần, cây mắm vươn mình đón ánh bình minh. Hàng hà cây đước vươn thẳng, rễ bám sâu vào lòng đất ngập mặn, đan xen và gồng lên như sức sống mãnh liệt của những con người đã từng chịu đựng gian khó để vươn lên trên vùng đất sình lầy, mặn chát lẫn đắng cay này.

Chúng tôi thong thả đi tiếp vào sâu hơn trong làng dân cư đang sống. Ở đây, nhà còn rất thưa thớt. Bên cạnh những ngôi nhà mới xây còn rất nhiều ngôi nhà lợp bằng lá dừa nước.  Mỗi căn nhà được cất lên từ nước mắt và mồ hôi, công sức rất nhiều. Nếu có dịp đến đây, chúng ta sẽ chứng kiến cảnh người dân cần mẫn vun từng nắm đất sình, dần dần hình thành con đường, mảnh vườn, đìa tôm, ao cá để rồi thành làng, thành xóm ấp. Người dân Cần Giờ tuy còn khó khăn vất vả nhưng ai nấy đều rất tốt bụng, họ rất quan tâm nhau khi tối lửa tắt đèn. Bà con ai ai cũng thân thiện, họ tận tình chỉ đường và am tường nơi ở và hoàn cảnh sống của từng người trong khu dân cư.

Đi hết cuối con đường xã An Thới Đông bắt gặp con sông lớn, chúng tôi quay ngược trở lại phía bên tay trái gặp cái chợ nhỏ. Chợ còn nghèo, người mua bán sản vật đều là dân địa phương, lác đác vài hàng cá. Những con cá nhỏ được đánh bắt từ sông, suối và biển khơi đem lên bày bán ở đây đa phần là cá đồng, cá nước lợ, tôm, cua, ốc len, ngao, vọp. Nhiều nhất là cá đối, cá đù, cá dứa, cá ngát. Đây là món đặc sản của Cần Giờ.

Chúng tôi gặp lại anh Trần Quốc Toàn sau nhiều năm kể từ khi Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm vật lý trị liệu, phục hồi chức năng do Trung ương Hội tổ chức tại Hà Nội.

Ảnh: anh Trần Quốc Toàn tự tin chèo bè trên ao tôm.

Nay trông anh có vẻ rắn rỏi, mạnh khỏe ra nhiều. Anh Toàn tự tin và hồ hởi kể cho chúng tôi nghe chuyện nuôi tôm với gia đình để cùng vượt khó. Sau những năm tháng bươn chải, gia đình anh đã trụ vững tại đìa và đã dần cất xây căn nhà cấp 4, xóa căn nhà tạm lợp lá dừa tuềnh toàng năm trước. Các thành viên trong gia đình hai ba thế hệ đoàn kết chung sống với nhau trong một nhà, mỗi người một việc và có công ăn việc làm ổn định.

Năm nay mùa tôm bị mất trắng do thời tiết mưa thất thường, nhưng bù lại năm 2016 gia đình anhToàn đã thu được trên 45 triệu đồng từ việc nuôi tôm nên bù vào đầu năm nay. Anh nói, sau khi thau phèn rửa bẩn đìa tôm và áp dụng kỹ thuật, cùng với kinh nghiệm, hy vọng mùa tôm cuối vụ năm nay sẽ đem lại niềm vui cho anh và gia đình nên anh không có nhu cầu vay vốn. Anh nói thêm, “vay vốn hay dù có nhận hỗ trợ vốn vô hình dung mình ỷ lại nó không khéo sẽ nợ. Có nhiêu làm bấy nhiêu, khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Anh Trần Quốc Toàn cười tươi rói.

Phong cách sống khép kín, u buồn, tự ti, mặc cảm của Toàn những năm trước đã biến mất.Toàn bây giờ là một thanh niên thực thụ, vô tư hồn nhiên đến lạ. Đi đâu, gặp ai cũng sảng khoái, chào hỏi thân tình. Trẻ già trong xóm ấp hầu như biết đến tên anh với ánh mắt đầy thiện cảm. Sự tự tin, vui vẻ, hòa đồng của anh Trần Văn Toàn phút chốc lan dần sang chúng tôi, một thứ cảm giác an vui.

Trần Quốc Toàn là con thứ ba trong gia đình không may bị dị tật hai chân. Do yếu liệt nên phải đi kẹp nạng, mỗi lần đi ra xuồng để xuống đìa cho tôm ăn phải bò từng bước, nhưng anh thấy vui vì được làm việc, tự mình xoay xở và sắp xếp công việc hàng ngày.

Anh Trần Quốc Toàn, sinh ngày  09 tháng 7 năm 1987, tại  tổ 7, ấp An Đông, xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh.

Anh nói về bản thân như sau:

Tôi vừa lọt lòng mẹ đã bị dị tật bẩm sinh ở chân không đi đứng được; tôi nghĩ rằng mình là người kém may mắn nhất trong gia đình, bởi vì mọi đứa trẻ khi được sinh ra đều được cha mẹ tập cho những bước đi đầu đời, nhưng đối với tôi những bước đi ấy chỉ có trong mơ mà thôi.

Khi lên 5 tuổi nhìn các bạn trong xóm vui đùa chạy nhảy tôi cảm thấy rất thích nhưng không thể thực hiện được vì tôi không được bình thường như các bạn khác, tôi chỉ biết bò, lếch như đứa trẻ lên 3 mà thôi. Gia đình tôi lúc đó rất khó khăn nhưng cha mẹ vẫn đưa tôi đi chữa trị rất nhiều nơi nhằm tìm kiếm sự may mắn, biết đâu điều kỳ diệu nào đó sẽ giúp tôi đi lại được nhưng điều kỳ diệu đó lại không xảy ra! Do kinh tế quá khó khăn cha mẹ tôi đành buông xuôi tôi cho số phận; khi tôi lên 7 tuổi nhìn thấy các chị đi học, tôi cũng muốn đến trường để học lắm, thấy tôi thích đi học cho nên các chị thay phiên nhau cõng tôi đi học, nhà cách trường rất xa phải đi bằng xuồng hơn tiếng đồng hồ mới tới trường.

Tôi nhớ rất rõ ngày đầu tiên vào học lớp 1, cô giáo ngần ngại nhìn tôi làm cho tôi có cảm giác chắc cô không nhận mình vào học vì mình tật nguyền sẽ làm ảnh hưởng đến lớp nhưng cuối cùng cô giáo đồng ý nhận tôi vào lớp.  Tôi vô cùng mừng rỡ và hạnh phúc nhưng không khỏi lo lắng bởi vì vấn đề đi vệ sinh tôi phải nhờ bạn đi gọi chị tôi (học chung trường) đến cõng tôi đi vệ sinh, nhiều lúc chị tôi đến trễ, các bạn trêu chọc tôi rất xấu hổ nhưng nhờ sự động viên của cha, mẹ và các chị nên tôi đã bỏ đi mặc cảm và quen dần.

Tôi tự an ủi động viên mình phải cố gắng học tốt để không phụ lòng cha, mẹ và các chị đã cõng mình đi học, từ suy nghĩ đó tôi tập trung vào việc học, năm nào tôi cũng lên lớp và đạt danh hiệu học sinh tiên tiến.

Tôi nhớ năm học lớp 3, điều may mắn đã đến với tôi khi trường có đoàn ở Thành phố xuống thăm và tặng quà cho các em học sinh nghèo trong đó có tôi; thấy được hoàn cảnh của tôi thông qua thầy Hiệu trưởng; Cô trưởng đoàn báo với thầy Hiệu trưởng là sẽ giúp đỡ cho tôi được đi mổ chân hầu giúp cho tôi có thể đi được bằng đôi giầy máng và đôi nạng gỗ, mọi chi phí cô lo hết. Hay tin đó trong lòng tôi vô cùng phấn khởi vì nghĩ rằng từ nay tôi có thể đi lại bằng chính đôi chân của mình nhưng niềm vui lại vụt tắt khi tôi nhìn lại đôi chân của mình lúc bấy giờ đã bị co rút lại, tôi hoang mang không biết Y học có can thiệp được không, nhờ sự động viên giải thích của gia đình và nhà trường tôi cũng bớt lo và một tia hy vọng mới lóe lên.

Khi kết thúc học kỳ I được nhà trường báo tin tạm hoãn việc học chuẩn bị cho việc phẫu thuật, tôi nhớ khi nhập viện cơ thể tôi rất gầy không thể thực hiện ca phẫu thuật được cho nên phải bồi dưỡng gần 2 tháng, khi nằm viện tôi được phát cơm miễn phí còn mẹ thì xin cơm từ thiện để sống qua ngày. Sau phẫu thuật và tập vật lí trị liệu dần dần tôi đã có thể đứng được nhưng phải nhờ công cụ hỗ trợ đó là đôi giày máng và cặp nạng gỗ, quá đổi vui mừng đối với tôi được như vậy đã là hạnh phúc lắm rồi bởi vì sẽ giảm bớt gánh nặng cho cha mẹ và nhất là các chị của tôi không còn phải cõng tôi đi học nữa.

Lúc này Ủy ban nhân xã tặng tôi chiếc xe lăn làm phương tiện đi học nhưng khổ nổi các chị tôi lúc bấy giờ lên học cấp III cách nhà 40km nên phải ở lại ký túc xá cho nên hàng ngày mẹ phải đẩy xe lăn đưa tôi đi học, cứ thế tôi đã tốt nghiệp THCS, tôi nghĩ rằng mình tuy tàn nhưng không phế phải cố gắng học tập nâng cao kiến thức để sau này tìm một việc làm thích hợp với bản thân hầu giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tôi tiếp tục học cấp III ở dưới huyện và phải ở ký túc xá cho nên mọi sinh hoạt cá nhân tôi phải tự lo tuy có khó khăn nhưng nhờ các bạn ở chung giúp đỡ nên sau 3 năm tôi tốt nghiệp THPT; vô cùng phấn khởi vì nghĩ rằng mình sẽ được thi vào Đại học như bao người bình thường khác, nhưng niềm vui ấy không được bao lâu lại vụt tắt vì chị tôi là người lành lặng sau khi tốt nghiệp Đại học không tìm được việc làm phải đi làm công nhân ở khu chế xuất huống hồ chi tôi là người tàn tật! Đầu óc tôi lúc này cứ suy nghĩ lung tung, buồn vui lẫn lộn nhưng nhờ gia đình động viên tôi đi học nghề dành riêng cho người khuyết tật sẽ có cơ hội hơn và tôi cũng hoàn tất lớp học sửa chữa điện tử; sau đó trường Đại học Văn Lang mở lớp đồ họa vi tính cho người khuyết tật, tôi đăng ký thi trúng tuyển vào học và hoàn thành khóa học đạt loại khá.

Tôi cầm các chứng nhận học nghề đi xin việc rất nhiều nơi nhưng nơi nào cũng nhìn tôi và bảo cứ chờ rồi họ sẽ liên hệ sau nhưng chờ mãi vẫn không thấy họ điện thoại cho mình?. Chờ, chờ cho đến bao giờ…..??, tôi thiết nghĩ người khuyết tật như tôi trên đất nước ta không phải là ít, họ muốn có việc làm phù hợp để tự nuôi sống bản thân, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội mà tại sao các công ty, xí nghiệp không chấp nhận như những người bình thường?. Nếu cứ như thế thì số phận của những người kém may mắn như tôi rồi sẽ ra sao đây trong khi chúng tôi không đòi hỏi gì cả, một ước muốn rất đổi bình thường chỉ cần có việc làm ổn định phù hợp hầu nuôi sống bản thân mà sao lại khó khăn đến thế?. Tôi nói ra đây không phải than thân trách phận mà chỉ mong muốn rằng xin mọi người hãy cảm thông cho những mãnh đời bất hạnh, kém may mắn trong cuộc sống này, tôi mong các công ty, xí nghiệp… hãy dang rộng vòng tay nhân ái đón nhận chúng tôi như người bình thường, để chúng tôi có được công việc ổn định mà thôi.

Với Trần Quốc Toàn, tuy không được như mơ ước sẽ đi làm ở công ty, xí nghiệp hay cơ quan Nhà nước như bao người bình thường khác, nhưng Toàn đã tìm cho mình mảnh đất để dụng võ rồi. Chia sẻ đến đây, Toàn xoa tay cười xòa.

LUYỆN TẬP ĐỂ CÓ NHIỀU SỨC KHỎE

Về Bình Khánh, gặp Bùi Đức Khương với chiếc áo tím ngồi đĩnh đạc trên chiếc xe đạp lắc tay, anh đang đợi chúng tôi. Trông Khương đợt này có vẻ thon gọn và hơi xanh xao so với lần gặp trước đây sau đợt hỗ trợ phẫu thuật chỉnh hình. Vẫn phong thái điềm đạm ấy, Khương lẽn bẽn lắc xe đi trước dẫn đường.

Ông bà Bùi Văn Hùng, cha ruột của Khương đón chúng tôi trong căn nhà cấp 4 vừa mới sửa sang, ngoài sảnh nhỏ một góc trồng cây mát mẻ. Bên mảnh vườn con con ông bà trồng đu đủ và chăn nuôi gà vịt để cải thiện đời sống gia đình. Điều đáng mừng bây giờ gia đình đã thoát nghèo, nhờ vào sự trợ giúp của các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin của thành phố và huyện Cần Giờ, các thành viên trong gia đình chăm chỉ chịu khó lao động, học tập, nay các em Khương đã ra trường, trưởng thành ai cũng có công ăn việc làm ổn định.

Ảnh: Ông Bà Bùi Văn Hùng kể chuyện vượt khó của gia đình sau 5 năm nhận trợ vốn của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Hồ Chí Minh.

Đây là góc nhỏ của Khương sinh hoạt làm việc hàng ngày, còn sơ sài lắm, nhưng cũng tạm cho Khương niềm vui tin yêu vào cuộc sống. Lâu nay Khương đang tự luyện tập thiền Yoga để tăng cường sức khỏe. Vì ngại ngồi mãi một chỗ béo phì, chân yếu sẽ khổ thân. Khương tìm hiểu trên mạng Internet chế độ ăn chay và tự rèn luyện mỗi ngày.

Công việc của Khương chỉ làm cho vui thôi chứ thu nhập rất khiêm tốn, không có gì đáng kể. Họa hoằm lắm mới có một vài người đến nhờ làm phim đám cưới, đấy là công việc mới Khương tự học và thực hành vài tháng nay thôi.

Ảnh: Góc nhỏ của Khương để ngồi làm việc và in đĩa DVD.

Theo dòng tự bạch, Bùi Đức Khương sinh ngày 01 tháng 5 năm 1986, tại số nhà 536, ấp Bình Phước, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh. Khương  sinh ra trong một gia đình là hộ nghèo của xã Bình Khánh với 2 tay 2 chân yếu, đi đứng không được, việc sinh hoạt cá nhân gặp vô cùng khó khăn phải nhờ sự giúp đỡ của người thân trong gia đình. Năm lên 8 tuổi Khương được ba mẹ cho đi học với hy vọng cho con biết cái chữ, học được cái hay cái tốt. Khương  ý thức được điều đó nên đã cố gắng học tập tốt ngay từ ngày đầu tiên; vì không thể tự đến trường được nên ba, mẹ và anh trai thay phiên nhau đưa Khương đi học, nhờ đó mà dù nắng hay mưa Khương cũng không bỏ lỡ một buổi học nào (trừ những lúc ốm đau).

Việc đi học gặp rất nhiều khó khăn do làm việc gì cũng chậm cho nên phải thức dậy sớm để chuẩn bị quần áo, sách vở, dụng cụ học tập…vì tay yếu cho nên việc cầm viết rất khó khăn, viết chữ rất chậm và xấu, không nản chí tôi cố gắng rèn luyện và cứ thế Khương đã hoàn thành 5 năm bậc tiểu học với thành tích khá giỏi.

Do khắc phục bệnh tật, vượt qua khó khăn trong học tập, Khương được nêu tên trên báo “Khăn quàng đỏ”. Thông qua báo, Khương được các bạn ở trường tiểu học quyên góp tiền mua tặng 1 chiếc xe lắc làm phương tiện đi học trong 7 năm còn lại của chương trình Trung học phổ thông. Có xe, ngày ngày Khương tự lắc xe đi học từ nhà đến trường 3 cây số mà không cần sự giúp đỡ của ba mẹ và anh trai nữa. Với sự dạy bảo tận tình của các thầy cô, sự nỗ lực quyết tâm vượt qua khó khăn bệnh tật của bản thân, Khương  đã tốt nghiệp Trung học phổ thông loại Khá. Sau đó Khương học thêm và hoàn thành khóa kế toán.

Năm 2013 Khương được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Thành phố Hồ Chí Minh trợ vốn không tính lãi, gia đình dùng số tiền đó để chăn nuôi, do đó cuộc sống của gia đình phần nào cũng bớt đi những khó khăn .

Khương chia sẻ:

– Tôi sinh ra không được may mắn lành lặng như bao người khác, thấu hiểu nỗi đau mất mát của những nạn nhân da cam và những người cùng cảnh ngộ; tôi luôn suy nghĩ mình phải cố gắng vượt qua khó khăn, bệnh tật, làm những việc trong khả năng của mình dù là một việc rất nhỏ, miễn sao có ích là tôi quyết tâm cố gắng làm thật tốt để phần nào giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.

 TÌNH THƯƠNG KHÔNG BIÊN GIỚI

Cách nhà anh Bùi Đức Khương vài chục căn liền kề, có cái ao rộng chừng 1000 mét vuông, bên ao có cái quán nho nhỏ treo từng chùm bánh kẹo đủ màu xanh đỏ. Nhà của ông Nguyễn Văn Thật có hai con dị tật mắt bẩm sinh mà trước đây Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Hồ Chí đã đến thăm, trợ vốn sinh kế. Qua 5 năm năm chúng tôi có dịp đến thăm, nhìn thấy toàn cảnh vườn nhà quy hoạch gọn đẹp, tạo nên bức tranh quê yên bình, trầm lắng.

Ông Nguyễn Văn Thật, sinh năm 1954 ở ấp Bình Phước, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ. Cuối năm 1970, đầu năm 1971 đi lính Nghĩa quân vào Trung đội RSA005 quân ngụy Sài Gòn đóng tại Bình Thạnh, luân chuyển về các xã Bình Khánh, Lý Nhơn – Vàm Sác huyện Cần Giờ.

Theo ông Thật kể lại, trong những năm đóng quân ở Vàm Sác – Cần Giờ thấy rừng cây trụi lá cháy khô. Mỗi buổi sáng họ phát cho lính mỗi người một bịch thuốc bảo đó là chống nước và sốt rét, chứ chúng tôi không biết thuốc gì. . Ngày trước, cứ đến tuổi phải đi quân dịch, không trốn được họ cũng bắt đi”. Sau ngày giải phóng, tôi được về đoàn tụ gia đình và lấy vợ, sanh con. Cũng như bao gia đình khác, mong ước sinh ra những đứa con khỏe mạnh, ông nghĩ có lẽ do một tác nhân nào đó, khi sinh hai đứa con nhìn bình thường nhưng đôi mắt của các con đều bị cườm trắng cả hai. Điểm lại, cả dòng họ, thân tộc không có ai bị chứng bệnh này cả. Ông bà mang nặng mặc cảm, buồn phiền, nhưng rồi cũng không giải quyết được gì. Gia đình ông sống thu mình, chí thú làm ăn nuôi con và hết lòng chạy chữa thuốc men hầu mong một phép màu kỳ diệu nào đó mang lại ánh sáng cho hai đứa trẻ.

Vợ chồng ông đã đưa chị Loan đi tất cả các bệnh viện chuyên khoa mắt của Thành phố, bác sĩ Bệnh viện Mắt của Điện Biên Phủ trả lời “mắt cháu Loan bị bẩm sinh không trị được”. Tìm đến các đoàn khám từ thiện Quốc tế, gặp một Bác sĩ người Nhật khám và đến nay vẫn chưa thấy thông tin gì. Mắt mù, gia cảnh lại khó khăn, nên hai chị em không ai có cái chữ. Lò dò trong bóng tối, Loan làm đủ việc để có chút tiền nuôi con và lo cho bản thân. Từ sáng sớm, cô đã thức dậy ra chợ Bình Khánh bán sữa đậu nành. Sữa do mẹ cô nấu, mẹ Loan cũng nhờ cái quán nhỏ này cùng với chiếc máy may cọc cạch để có đồng ra đồng vào.

Ông Nguyễn Văn Thật nói: “Từ khi được Thành Hội hỗ trợ vốn, nhờ đồng vốn xoay vòng. Trên mặt ao tôi thả vịt, dưới nước nuôi cá rô phi, cứ 3 tháng rút nước ao, tôi bán rô phi thu cũng được trên 4 triệu đồng”.

Hiện tại gia đình có tất thảy năm miệng ăn, nhờ vào sự tháo vén, cần kiệm trong chi tiêu nên cũng đủ tự cung tự cấp trong gia đình.

Tôi rất biết ơn Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã giúp đỡ, Hội là tình thương không biên giới đến với những hoàn cảnh như gia đình chúng tôi. Loan cũng  được nhà nước hỗ trợ mỗi tháng 570.000 đồng theo diện người khuyết tật.

Ông Thật ngập ngừng :

– Tôi còn đứa con gái kế cháu Loan may mắn sinh ra lành lặn nhưng lại bất hạnh hơn Loan. Nó đi Đài Loan nghe nói là có chồng, ban đầu cũng về được đôi lần nhưng mấy năm nay không thấy về thăm nhà, mất liên lạc luôn…

Ảnh: chị Trần Thị Kim Loan, sinh năm 1980 .Nguyễn Thành Nhân, sinh năm 1985, em trai út của Loan cũng bị cườm trắng, suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt.

CHẮP CÁNH ƯỚC MƠ

Chúng ta vẫn còn nhớ cách đây hơn 10 năm Tiểu Quyên – báo Người Lao động chuyền tải bài viết “ Ngàn ngày cõng bạn đến trường” đã làm lay động biết bao trái tim con người, biết yêu thương và chia sẻ.

Hình ảnh đẹp của đôi bạn Nguyễn Thái Bình và Quách Văn Phil giống như chuyện cổ tích giữa đời thường. Bình ngàn ngày cõng bạn đến trường – một hành trình vạn dặm để chắp cánh cho ước mơ của bạn bay xa.

Nhà của Nguyễn Thái Bình ở xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ , thành phố Hồ Chí Minh Cuộc sống cũng không khá giả gì, sau giờ học, em phải làm việc phụ giúp gia đình. Nhưng bao giờ em cũng dành thời gian cho người bạn cùng lớp thiếu may mắn Quách Văn Phil. Quách Văn Phil, sinh năm 1990, ngụ ấp An Phước, xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh trong một gia đình nghèo, không có phương tiện sản xuất. Bố Phil là bộ đội xuất ngũ, còn mẹ làm nội trợ. Lúc sinh ra, Phil bị teo hai cơ chân không đi được . Mọi việc đi lại sinh hoạt, Phil đều phải nhờ vào sự giúp đỡ của người thân, từ lúc vào Trung học cơ sở cho đến khi lên hết cấp 3 đôi bạn Phil – Bình vẫn hai buổi đến trường đều đặn.

Nhà ở gần nhau nên Bình luôn cố gắng sắp xếp để có thể ở bên cạnh giúp đỡ Phil và cùng nhau học tập. Bình bảo “Em rất thương và nể Phil. Tuy bạn ấy là người kém may mắn, nhưng bạn không bao giờ tự ti mà luôn cố gắng học tập, sống hòa nhã và vui vẻ với mọi người”. Còn với Phil, Bình là người bạn thân thương và chân thành nhất. Hồi học lớp 1 Phil được mẹ đưa vô lớp để… nằm nghe giảng. Thương con tật nguyền, bà Huỳnh Thị Gấm quyết tâm “bắt” con trai ngồi thẳng dậy bằng cách bỏ cậu vào trong thau rồi nêm cứng gối chung quanh.

Bạn bè vẫn trêu đùa Bình là đôi chân của Phil. Quả vậy, năm 5 qua, hơn 1.000 ngày, Phil đến trường trên lưng bạn. Không những vậy, Bình còn cõng Phil đi thăm thầy cô, đến tham gia các hoạt động của lớp, cắm trại, dã ngoại… Ngay cả việc đưa Phil vào nhà vệ sinh trong giờ lên lớp, Bình cũng đảm nhận. Phil đã như một người bạn, người em gắn bó với Bình suốt cả quãng đời học sinh. Thầy cô, bạn bè trong trường cũng như người dân ở xã Tam Thôn Hiệp đều biết và thường nhắc đến hình ảnh cõng bạn đến trường của Bình với cả lòng yêu thương và trân trọng. Bình ý thức được rằng mình cõng trên vai không chỉ là một người bạn thân, mà còn cõng cả một ước mơ. Phil học rất giỏi toán (em đã từng đoạt giải rất cao trong các cuộc thi học sinh giỏi toán của huyện) nên có dự định sẽ thi vào khoa công nghệ thông tin. Em bảo đó là ngành học mà em có thể theo đuổi và dễ dàng xin việc hơn cả vì không phải di chuyển nhiều. Còn Bình thì ấp ủ ước mơ được học sư phạm toán. “Trên vai em cõng hai mơ ước, của em và của Phil. Nếu cả hai đứa được vào đại học, em cũng sẽ cố gắng sắp xếp thời gian để có thể đưa Phil đến trường” – Bình chia sẻ.

NỤ CƯỜI VƯỢT QUA SỐ PHẬN

Sáu tuổi, Phil ngồi ngơ ngác trên xe lăn nhìn chúng bạn nô đùa. Rồi em tự tìm thú vui ở việc đẽo tre làm sáo thổi. Đến tuổi đi học, cha mẹ và các chị thay phiên nhau cõng em đến trường. Mãi đến năm lớp 7, Phil mới học cùng lớp và quen với Bình – người bạn đã cõng em đến trường từ bấy đến giờ.

Anh Quách Văn Phil (ngoài cùng, bên phải) tại hội nghị điển hình tiên tiến 2016.

Đã đi qua một chặng dài tủi hờn cho số phận, giờ đây Quách Văn Phil không còn cảm thấy lạc lõng nữa. Em sống hòa nhã với tất cả mọi người. Nụ cười không bao giờ tắt trên môi em. “Bây giờ không lúc nào em thấy buồn nữa. Mình không thể thay đổi được số phận thì phải biết đương đầu và vượt qua nó” – Phil tâm sự. Cô Thanh Nguyệt, giáo viên chủ nhiệm của Phil, nhận xét: “Phil rất sôi nổi và hòa đồng, có thể nói em là cây cười của lớp và được rất nhiều bạn bè quý mến. Không có chương trình hoạt động nào của lớp mà vắng mặt Phil cả. Em cũng thường xuyên rủ Bình ghé thăm các thầy cô cũ…”. Mặc dù cuộc sống không dư dả, nhưng mẹ Phil, bà Huỳnh Thị Gấm, đều đặn hai lần mỗi tháng tổ chức bếp ăn từ thiện cho những người nghèo, người già neo đơn trong xã. Đây là cách để bà tri ân những tấm lòng đã xây tặng ngôi nhà tình thương cho gia đình bà thuở còn khốn khó ngày xưa. Và chính Phil cũng đã học được từ mẹ lòng nhân ái và trái tim biết yêu thương, chia sẻ với mọi người.

Hình ảnh đẹp của đôi bạn Nguyễn Thái Bình và Quách Văn Phil giống như chuyện cổ tích giữa đời thường. Bình ngàn ngày cõng bạn đến trường – một hành trình vạn dặm để chắp cánh cho ước mơ của bạn bay xa.

Giờ đây, Quách Văn Phil đã tốt nghiệp ra trường có việc làm ổn định, không những tự nuôi sống bản thân mà còn tổ chức nhóm thiện nguyện đêm để giúp đỡ nhiều người khốn khó.

Tại hội nghị vinh danh điển hình vượt khó lần thứ hai (2011 – 2016) do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tổ chức ngày 26/ 6/ 2016 tại Nhà khách T67, cả Hội trường xúc động khi nghe Quách Văn Phil tâm sự về quá trình vượt khó của mình. Phil tâm sự: “Tôi luôn nhớ đến câu nói của thầy giáo, cô giáo và các cô, các chú yêu thương đã dặn dò, dù không may mắn nhưng mình hãy cố gắng học tập để tìm được một công việc phù hợp vừa có thu nhập nuôi sống bản thân, vừa có thể phụ giúp một phần nào cho gia đình và xã hội”.

Nghĩ thế, Phil xóa bỏ mọi mặc cảm, nỗ lực học tập rèn luyện và luôn dành nhiều điểm cao. Tốt nghiệp cao đẳng khoa công nghệ thông tin chuyên ngành quản trị mạng, Phil may mắn được nhận vào làm việc tại Trung tâm sửa chữa điện thoại chuyên về phần mềm tại huyện Cần Giờ. Công việc phù hợp, tuy lương ít nhưng Phil rất hạnh phúc, vì Phil được hòa nhập với cuộc sống. Nay Phil chuyển về làm tại công ty phần mềm Bình Thạnh- Thành phố Hồ Chí Minh. Công việc của Phil rất bận rộn, nên rất ít thời gian về nhà. Dù đóng góp nhỏ bé, nhưng Phil luôn ấm lòng vì đã kịp chia sẻ, giúp đỡ những trẻ em khuyết tật, người cơ nhỡ. Tuy bị tật nguyền, song những năm qua, anh đã vận động thành lập nhóm “Thiện – nguyện – đêm” giúp người cơ nhỡ. Theo đó, Phil và nhóm bạn tình nguyện làm việc thêm vào ban đêm để có tiền giúp đỡ những trẻ em khuyết tật, người cơ nhỡ không còn người thân nương tựa có được những bữa cơm từ thiện và tấm áo để mặc…

Anh Phil bày tỏ: “Vượt qua chặng đường dài hờn tủi của mình, là người khuyết tật, nhìn vào đôi mắt các em có số phận không may mắn, tôi hiểu được ánh mắt khát khao mong muốn sự chia sẻ, giúp đỡ của mọi người đối với các em. Do vậy, tôi muốn làm một việc thiện để bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đã giúp đỡ tôi trưởng thành được như ngày hôm nay”.

LỜI NGUYỆN CẦU

Những đứa trẻ chúng tôi vừa mới gặp hôm qua với cái nắm tay và hơi thở yếu ớt, những bàn tay co quắp, tấm thân khô gầy và đôi mắt đờ đẫn oằn oại cơn đau. Lê Nguyễn Tường Vân, Lê Nguyễn Thiên Vân – hai đứa trẻ song sinh của cô giáo trẻ xã An Thới Đông vừa mới qua đời. Hôm nay lại nhận tin chị Nguyễn Thị Đẹp, con bà Phạm Thị Tư xã Tam Thôn Hiệp huyện Cần Giờ cũng đã nhắm mắt xuôi tay! Thế là 3 con người, 3 sinh linh bé nhỏ ấy đã không chống chọi được căn bệnh hiểm nghèo lần lượt rời vòng tay mẹ yêu thương ra đi mãi mãi, để lại lời nguyền cho muôn vạn số phận do di nhiễm chất độc da cam thế hệ tiếp theo.

Làm gì hơn, khi ta còn một trái tim biết yêu thương và căm hận?

Làm thế nào đây để vơi bớt nỗi đau da cam xuyên thể kỷ này?

Lẽ phải, đạo lý, công lý công bằng cho các nạn nhân chất độc da cam khi một mai và lâu dài có bị chìm vào quên lãng…

Nạn nhân chất độc da cam/dioxin rất cần sự đồng tâm, hiệp lực của người thân, họ cần sự nâng đỡ và trợ giúp của cộng đồng xã hội để cùng bước tới.

Dù bạn là ai đi chăng nữa, tình yêu thương dành cho những người kém may mắn là không biên giới. Nạn nhân chất độc da cam cũng là một con người, họ luôn khát khao sự sống! Hãy trân trọng họ như chính bản thân mình.

Vòng quanh Rừng Sác (Rừng ngập mặn Cần Giờ), gặp gỡ, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm vượt khó của những gia đình và bản thân người kém may mắn trong cuộc đời. Trong những số phận con người tiêu biểu phía sau Rừng ngập mặn Cần Giờ, chúng tôi nghiệm ra một điều; Chất độc da cam/dioxin quyết hủy diệt môi sinh nhưng không thể nào hủy diệt được ý chí vươn lên của con người. Sức mạnh và bản năng của con người là vô hạn, mỗi người đều có sự khát khao vươn lên dù chỉ là một chút hy vọng nhỏ nhoi.

Còn đó, nơi góc khuất quê nghèo biết bao số phận nhỏ nhoi tật nguyền vì di chứng chất độc hóa học đang ngày đêm mong được nhìn thấy ánh nắng mặt trời, một kiếp người bệnh tật triền miên đang từng ngày bên người thân giành giật sự sống. Còn lắm khao khát được cất lên tiếng nói ba ơi, mẹ ơi!

Biết bao khát vọng sẻ chia khi mùa Xuân Mậu Tuất đã đến gần kề, Xuân ngấp nghé thì thầm gõ cửa, Xuân về trên khắp nẻo đường đất nước, Xuân mang hương vị nồng ấm thân thương. Xuân của muôn vạn tấm lòng gần xa cởi mở, bao dung thánh thiện, cùng những nghĩa cử việc làm cao đẹp: “Hãy chung tay xoa dịu nỗi đau chất độc da cam – nỗi đau không của riêng ai”.

Ghi chép Phạm Thị Nhí.

Hết!

 

PTN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.