Nâng cao hiệu quả phối hợp xử lý chất da cam/dioxin
Chiều 20/11, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang và Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến đã có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc...
Trong số 5.000 người nghi nhiễm chất độc da cam ở A Lưới, chỉ có phân nửa đối tượng đúng quy định được xét duyệt làm hồ sơ. Tuy nhiên, dẫu đúng đối tượng nhưng chỉ có 1/3 số người được hưởng chế độ do hồ sơ thất lạc, thiếu người hướng dẫn làm các thủ tục cụ thể. Đời sống của họ hiện vô cùng khó khăn khi có đến 80% nghèo khó do bệnh tật và thiếu thốn.
Thế hệ thứ ba chưa được hưởng chế độ
Đến thăm gia đình bà Hồ Thị Liên ở thôn A Sam (Đông Sơn – A Lưới) mới thấm nỗi cơ cực của bà mẹ mang nặng, đẻ đau nhiều lần nhưng không một lần có được một đứa con khỏe mạnh. Bà không nhớ hết nữa,7-8 lần sinh nhưng chỉ có 3 cô con gái ở lại được với bà. Nhưng rồi, cả ba đều bệnh tật, còi cọc. Đứa đầu đã ngoài 20 tuổi nhưng chỉ cao khoảng 1m, đứa thứ hai 15 tuổi vừa mù, vừa liệt, đứa thứ ba không bộc lộ dị tật bên ngoài nhưng cứ đau nhức mình mẩy không làm gì được. Ông bà nội ngoại các em đều tham gia kháng chiến và chính bố mẹ chúng cùng lớn lên trên mảnh đất Đông Sơn này. Bố bà bảo, chúng nhiễm chất độc hóa học đấy. Điều đó đã được minh chứng, khi mới đây cô bé thứ 2 của gia đình là Hồ Thị Ngọc Thư đi khám, làm hồ sơ để dự phiên tòa đòi công lý ở Mỹ sắp đến, phát hiện cô bé mắc phải nhiều bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học/dioxin.
Tặng quà cho nạn nhân nhiễm chất độc da cam ở A Lưới
Theo ông Quỳnh Thu, Chủ tịch Hội Nạn nhân da cam huyện A Lưới, con số thế hệ thứ ba mắc bệnh ngày càng gia tăng ở các xã. Mỗi cháu đều mắc các bệnh khác nhau, cháu bị câm, điếc, cháu bị thần kinh, co giật và thân hình phát triển không bình thường. Có rất nhiều cháu bị nhô xương ngực, ngớ ngẩn…Điều này được lý giải khi có thể thời điểm này không xác định được nhưng lại phát bệnh tật ở đời con, cháu họ. Tuy vậy, chính sách của Nhà nước hỗ trợ nạn nhân mới xét đến thế hệ thứ nhất (đời cha) và thứ hai (đời con), còn thế hệ thứ ba là đời cháu chưa có. Thế nên, trên 2.500 người dân ở A Lưới chưa thuộc đối tượng xét hưởng chế độ nhiễm chất độc da cam. Bà Viên Thị On (A Đớt – A Lưới) bộc bạch: “Hai vợ chồng tôi không bị bệnh nhưng sinh mấy đứa con đều khuyết tật. Hôm trước, cháu Viên Hải Hưng được làm các xét nghiệm để đòi công lý Mỹ. Nguyện vọng của gia đình là khi cháu được xác nhận là nghi nhiễm chất độc hoá học thì nên cho cháu hưởng chế độ”.
Nguyện vọng của người dân hoàn toàn chính đáng. Bởi, cứ nhìn vào con số thống kê sơ bộ cũng không khỏi giật mình khi A Lưới có 5.000 người nghi nhiễm chất độc dioxin, trong khi đó dân số của toàn huyện trên 40.000 người trong tổng số 21 xã, thị trấn. Tính ra, riêng ở A Lưới số người bị nghi nhiễm cũng đã tương đương với bình quân số dân của 2 xã! Kết quả nghiên cứu mới đây của một nhóm các nhà khoa học Canada tại Việt Nam, sân bay Aso (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) bị bỏ hoang hàng chục năm nay như¬¬ng vẫn còn nồng độ dioxin trong đất rất cao (897 PPT), gấp gần 3 lần mức tiêu chuẩn mà Canada coi là nhiễm độc nặng, cần phải tẩy độc. Người dân sinh sống gần sân bay Aso có nồng độ dioxin trong máu cao gấp 15 lần so với người dân bình thường sống ở vùng không bị rải chất độc.
Tuyên truyền ở cấp cơ sở chưa thấu đáo
Chưa nói đến các chính sách còn bất cập, tính riêng 2.500 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ được hưởng theo chế độ cũng chỉ mới có 730 người được công nhận nghi nhiễm chất độc hoá học. Tình trạng tồn đọng hồ sơ chưa được giải quyết có nhiều nguyên do, cả trong cơ chế chính sách lẫn trong tổ chức thực hiện. Về cơ chế, quy định về bệnh do phơi nhiễm chất độc da cam chưa cụ thể, rõ ràng, có một số bệnh phân biệt rất khó. Chẳng hạn, theo quy định các bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học/dioxin có đến hơn một nửa là bệnh ung thư. Tuy nhiên, khi phát hiện được bệnh thì hầu hết đối tượng đã yếu, nhiều người không kịp xét hưởng chính sách thì đã qua đời. Ngoài ra, trong số các hồ sơ bệnh án của người bị phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin thì phần lớn đều dựa vào danh mục 17 chứng bệnh do Bộ Y tế quy định. Đó là những bệnh thường gặp như bệnh đái tháo đường type 2 và bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính và bán cấp tính. Tuy nhiên, những trường hợp có chứng bệnh này chỉ được giải quyết khi có bệnh án trước ngày 7/4/2009. Còn những người mắc phải bệnh đái tháo đường type 2 và bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính và bán cấp tính sau thời điểm ngày 7/4/2009 thì sẽ tạm dừng giải quyết. Chính điều này cũng gây bất bình cho người dân khi cùng một bệnh nhưng có người được hưởng, người kia lại không được xét duyệt chế độ.
Phần đông người dân, nhất là bà con dân tộc thiểu số không còn lưu giữ được hồ sơ, lý lịch, giấy tờ liên quan đến người tham gia kháng chiến, kê khai dẫn đến sai sót nhiều lần. Ông Trần Tý, Phó phòng Lao động TB&XH huyện A Lưới cho biết: “Nhiều đối tượng hồ sơ bị thất lạc, không có nhân chứng xác nhận thời gian hoạt động từ năm 1961 -1975, thậm chí, nhiều người không nhớ mình tham gia năm nào, năm sinh của đối tượng không khớp”. Mặt khác, số cán bộ làm công tác chính sách tại các xã, thị trấn của huyện thường kiêm nhiệm, nên việc theo dõi, nắm bắt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước thiếu hệ thống, chưa thường xuyên. Ông Quỳnh Thu diễn giải thêm: “Huyện hội cũng đã triển khai, hướng dẫn cấp cơ sở nhưng do năng lực của cán bộ còn hạn chế nên có xã triển khai được nhưng cũng có xã chỉ có một vài người làm hồ sơ. Trong khi đó, người dân lại sợ phức tạp, ngay việc lên giám định y khoa ở tỉnh họ cũng ngại đi”.
Để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa các chế độ, chính sách đối với người có công cách mạng nói chung và người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học nói riêng, thiết nghĩ các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật của Nhà nước cho nhân dân hiểu rõ; đồng thời, cần chú trọng bố trí đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách ở các huyện miền núi, bảo đảm năng lực, chuyên môn, ổn định lâu dài, có chế độ phụ cấp phù hợp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để bảo đảm khách quan, công bằng, đúng đối tượng.
(Báo Thừa Thiên-Huế Online 5/3)