VAVA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH: VẬN ĐỘNG HƠN 1,2 TỶ ĐỒNG QUÀ TẾT.
Tính đến ngày 08/02/2018, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Hồ Chí Minh đã vận động được 2443 suất, mỗi suất quà trị giá từ 300.000đồng đến...
Cựu chiến binh có hồ sơ phơi nhiễm chất độc hóa học gây bệnh viêm dây thần kinh ngoại biên không được thừa nhận. Thực trạng này ở TP. Hà Nội khiến rất nhiều cựu chiến binh bức xúc.
Đổ bỏ 2 tạ thóc!
Ngày 11.4, ông Bùi Như Lạc – cựu chiến binh ở xã Đại Thịnh (Mê Linh, Hà Nội), từng chiến đấu ở đường 9 Nam Lào- nơi bị rải chất độc da cam; cùng hàng trăm cựu chiến binh ở các huyện Sóc Sơn, Từ Liêm đi giám định bệnh viêm dây thần kinh ngoại biên để hoàn thành hồ sơ nạn nhân chất độc da cam tại Trung tâm Giám định y khoa Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội). Tuy nhiên, tại phòng khám X-quang, ông được bác sĩ “khuyên”: “Bác khám làm gì cho mất tiền, bệnh này khó xác định là do chất độc hoá học nên khó được công nhận lắm”.
Lời khuyên này có cơ sở thực tế bởi tại Trung tâm này, đầu năm 2012 giám định cho khoảng hơn 200 hồ sơ có bệnh án viêm dây thần kinh ngoại biên thì cả 200 hồ sơ đều không được công nhận. Ông Lạc bày tỏ: “Nghe bác sĩ nói vậy, tôi rất ngạc nhiên. Nếu bệnh khó được công nhận, sao Bộ Y tế lại cho vào danh mục 17 bệnh có liên quan tới chất độc hoá học để chúng tôi phải đi lại mất công, tốn tiền”.
Tới buổi giám định ngày 11.4 còn có nhiều cựu chiến binh bị teo cơ, đi lệch người phải có người nhà đi cùng, như cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợp (huyện Từ Liêm), Trần Hữu Long (quận Thanh Xuân)… Cả một buổi chiều, họ được khám chuyên khoa, làm các xét nghiệm máu, nước tiểu… Tổng chi phí đi lại và phí giám định khoảng gần 1 triệu đồng (trong đó phí giám định là hơn 300.000 đồng). Ông Lạc bày tỏ: “Khoản tiền này bằng hơn 2 tạ thóc. Đi giám định mà không được công nhận thì coi như tôi đổ bỏ 2 tạ thóc. Tuy nhiên, điều đáng nói là Hà Nội hàng trăm, hàng ngàn người đi giám định mà không được công nhận thì sẽ gây lãng phí hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng. Nếu ở tất cả các tỉnh thành thì đó là khoản tiền khổng lồ”.
Khó xác định
Lý giải thực tế này, ông Hoàng Xuân Thảo- Giám đốc Trung tâm Giám định y khoa Hà Nội cho rằng: “Khó có bệnh nào mà bệnh nhân nhiễm độc tới 40 năm mà giờ mới phát bệnh cả. Nhất là bệnh viêm dây thần kinh ngoại biên thường phát bệnh từ 6 tháng tới 1 năm sau khi nhiễm độc”.
Tuy nhiên, khi hỏi vì sao các bệnh viện khám, có bệnh án viêm dây thần kinh ngoại biên còn giám định lại không công nhận, thì ông Thảo lắc đầu: “Viêm dây thần kinh có rất nhiều biểu hiện bệnh và có nhiều lý do gây bệnh. Nhiều người khám thì thấy rõ ràng các chứng bệnh liên quan tới tổn thương cột sống, viêm dây thần kinh ngoại biên… nhưng đổ lý do cho chất độc hoá học thì tôi chịu vì không xác định được. Chúng tôi chuyển kết luận về bệnh lý cho Sở LĐTBXH, việc công nhận hay không là của Sở này”.
Ông Thảo cũng cho rằng: “Nhiều người đến khám đi lại vất vả mà không có kết quả gì họ cũng rất buồn. Ngay cả người quen của tôi, tôi cũng khuyên không nên đi. Về phía chúng tôi thì riêng bệnh này phải làm giám định rất kỹ, đúng quy trình, không bỏ sót mà cũng không để lạm dụng”. Trước thực tế 100% hồ sơ viêm dây thần kinh ngoại biên không được công nhận, Trung tâm cũng đã có kiến nghị lên Sở Y tế Hà Nội, Sở LĐTBXH… đề nghị xem xét lại việc công nhận bệnh.
(Theo Lê An- Báo Dân Việt 13/4)